Thương mại điện tử – Lời giải cho bài toán phân phối nông sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Bối cảnh khâu phân phối truyền thống gặp nhiều khó khăn cũng chính là lúc người nông dân viết nên câu chuyện về giá trị cốt lõi của sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ thông qua các kênh thương mại điện tử.
Thương mại điện tử lên ngôi
Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những đồng bằng lớn, phì nhiêu nhất Đông Nam Á và là vùng sản xuất, xuất khẩu lương thực, thực phẩm, thủy hải sản, vùng trồng cây ăn trái nhiệt đới lớn nhất Việt Nam. Vào chính vụ, lượng nông sản cần phân phối ở khu vực này rất lớn và bài toán tìm đầu ra hiệu quả, ổn định đã trở thành nỗi lo thường trực của bà con nông dân cũng như các hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất nơi đây.
Ngoài ra việc luân chuyển hàng hóa, đưa nông sản Đồng bằng sông Cửu Long đến tiêu thụ ở thị trường trong nước cũng gặp khó khăn do phụ thuộc vào kênh thương lái, hoặc siêu thị, nhất là khi giá cả biến động. Chưa kể quá trình cung cấp trực tiếp đến người tiêu dùng vẫn còn hạn chế bởi khâu vận chuyển, logistics, hao hụt do hư hỏng ở khâu đóng gói, bảo quản… Cũng vì những lý do này mà các sản phẩm nông sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long hầu như chỉ được tiêu thụ ở gần địa phương sản xuất hoặc các thành phố lớn khu vực phía Nam. Đồng thời do qua nhiều khâu trung gian phân phối nên hàng nông sản ở các địa phương trong khu vực này thường có giá thành cao hơn so với các khu vực khác.
Trong bối cảnh đó, thương mại điện tử đã trở thành lời giải cho bài toán vận chuyển, tiêu thụ nông sản của bà con nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Kênh phân phối nông sản này ngày càng sôi nổi và có nhiều lợi thế cạnh tranh vì người mua, người bán đều trực tiếp giao dịch mà không phải qua quá nhiều khâu trung gian với các khoản chi phí cho nhân công, điểm tập kết hàng như các kênh phân phối truyền thống. Thêm vào đó các kênh thương mại điện tử còn giúp các hợp tác xã, hộ nông dân có thể tiếp cận tệp khách hàng rộng lớn hơn một cách nhanh chóng và dễ dàng.
Về phía người tiêu dùng, từ sau dịch Covid – 19 cũng đã bắt đầu chọn mua nông sản như trái cây, rau củ trên các sàn thương mại điện tử hoặc các website bán hàng trực tuyến thay vì tới các chợ truyền thống, qua đó tạo cơ hội cho tiêu thụ nông sản qua các kênh thương mại điện tử lên ngôi
Gia tăng hiệu quả hỗ trợ
Với vai trò đầu mối của Bộ Công Thương về quản lý và phát triển thương mại điện tử, những năm qua Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã phối hợp với các Bộ ngành, UBND, Sở ban ngành địa phương để triển khai hàng loạt chương trình hỗ trợ có ý nghĩa thiết thực, có hiệu quả và đóng góp tích cực giúp ổn định đầu ra tiêu thụ trên các kênh phân phối thương mại điện tử cho sản phẩm nông sản của rất nhiều địa phương trên cả nước nói chung – khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng. “Cùng với các hệ thống phân phối truyền thống, thương mại điện tử đang dần trở thành một kênh tiêu thụ mới hiện đại và là giải pháp bền vững giúp các nông sản địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long mở rộng thị trường tiêu thụ. Sản phẩm nông sản ngày càng được nhận diện và phổ biến rộng hơn không chỉ ở khu vực phía Nam mà còn ở các tỉnh khu vực miền Bắc và miền Trung” – đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số nhấn mạnh.
Tuy nhiên bên cạnh những thành quả ban đầu đạt được, đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cũng thẳng thắn thừa nhận trên thực tế việc đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nông dân vẫn còn rất nhỏ lẻ, khiêm tốn do nguồn lực của doanh nghiệp, hợp tác xã còn hạn chế; lại thiếu nhân lực hiểu biết về công nghệ thông tin, quy trình bán hàng, marketing…
Bên cạnh đó việc đăng ký gian hàng và đưa sản phẩm lên các gian hàng thương mại điện tử là việc doanh nghiệp có thể làm. Nhưng để sản phẩm đến tay người tiêu dùng, doanh nghiệp cần phải được hướng dẫn và đào tạo bài bản về cách thức quảng bá trực tuyến, xây dựng hình ảnh sản phẩm và thực hiện quy trình đóng gói, bảo quản sản phẩm, hay cách thức chăm sóc khách hàng, những dịch vụ sau bán hàng….
Nhằm khắc phục những bất cập trên, trong thời gian tới Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ tiếp tục triển khai hợp tác chặt chẽ với đối tác như: Shopee, Voso, Tiki, Lazada; kết nối đối tác với doanh nghiệp để thực hiện chương trình hỗ trợ đào tạo, tập huấn cho doanh nghiệp. Đồng thời tổ chức bài bản, hiệu quả các chương trình đào tạo cho doanh nghiệp về mở gian hàng, vận hành thực hiện các đơn hàng, quản lý logistics, quản lý chất lượng sản phẩm trên các nền tảng thương mại điện tử lớn….Chỉ khi nắm vững những kỹ năng thương mại điện tử, doanh nghiệp, nhà sản xuất hay hợp tác xã nông nghiệp mới có thể chủ động vận hành được kênh bán hàng thương mại điện tử của riêng mình một cách hiệu quả.
Song song đó Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai Chương trình ứng dụng thương mại điện tử quốc gia Go Online – một ứng dụng do Cục làm đầu mối chủ trì, hợp tác với các nền tảng thương mại điện tử lớn. Go Online sẽ cung cấp các giải pháp đồng bộ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số, phát triển công nghệ, tối ưu quy trình vận hành sản xuất, tiết kiệm chi phí quản lý kênh bán hàng thương mại điện tử, thúc đẩy doanh số bán hàng, tận dụng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, góp phần đẩy mạnh việc phân phối, bán hàng cho các sản phẩm địa phương.
Thành Vinh