Thượng đỉnh Mỹ-Trung đặt ra một câu hỏi lớn bất định
Stephen Olson, nhà nghiên cứu cấp cao tại Hinrich Foundation, cho rằng mặc dù trong cuộc họp thượng đỉnh Mỹ-Trung vừa qua, hai nhà lãnh đạo của họ đều đưa ra thái độ tích cực về mối quan hệ của họ trong tương lai – nhưng một câu hỏi lớn vẫn chưa được giải đáp.
Stephen Olson nói: “Câu hỏi mở cho mối quan hệ rộng lớn hơn là liệu Mỹ và Trung Quốc có thể quản lý một cách mang tính xây dựng những va chạm đang diễn ra giữa các thế giới quan rất khác nhau của họ hay không”.
Mỹ và Trung Quốc vẫn phải đối mặt với “những khác biệt khó hòa giải và vẫn còn phải xem liệu mối quan hệ giữa họ có lắng dịu sau cuộc gặp giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hay không. Ông nhận định: “Sẽ không có quốc gia nào biến mất. Không quốc gia nào sẽ nhượng bộ quan điểm của nước kia. Con đường thận trọng phía trước sẽ là tìm ra những cách hợp lý để những lập trường khác nhau của mỗi bên cùng tồn tại”.
Olson giải thích rằng Trung Quốc coi Mỹ là một cường quốc đang suy giảm vào thời điểm mà Bắc Kinh tỏ ra tự tin hơn trên trường toàn cầu. Ông nói thêm rằng Mỹ coi những hoàn cảnh xung quanh sự trỗi dậy của Trung Quốc là trái ngược với lợi ích của mình và họ phải chuẩn bị sẵn sàng để “đối đầu và thách thức mạnh mẽ hơn” với Trung Quốc.
Biden dường như cũng thừa nhận thách thức này. Ông nói rằng cần phải có những giới hạn theo quan điểm chung để đảm bảo rằng cạnh tranh không trở thành xung đột và giữ cho các đường dây liên lạc cởi mở.
Trong khi đó, Tập Cận Bình nói trong cuộc họp rằng để Trung Quốc và Mỹ hòa hợp “trong một kỷ nguyên mới”, họ nên tuân thủ các nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, chung sống hòa bình và hợp tác cùng có lợi.
Bắc Kinh thường sử dụng ngôn ngữ như “tôn trọng lẫn nhau” để kêu gọi các điều khoản có lợi hơn từ Mỹ.
Trung Anh