Thực thi pháp luật nghiêm minh là điều kiện tiên quyết để phát triển đất nước
Thủ tướng nêu rõ, việc xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật hiệu lực, hiệu quả là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển đất nước. Vai trò, trách nhiệm của Bộ, ngành Tư pháp trong giai đoạn tới ngày càng quan trọng, đòi hỏi Bộ, ngành Tư pháp cần tiếp tục phát huy vai trò “nhạc trưởng” trong việc tham mưu xây dựng và thi hành pháp luật.
Sáng ngày 23/12, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến triển khai công tác tư pháp năm 2021, định hướng nhiệm kỳ 2021-2025 của Bộ Tư pháp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, thể chế pháp luật là nền tảng quan trọng để xây dựng, phát triển đất nước. Trong nhiệm kỳ này, Thủ tướng đã 3 lần dự hội nghị của ngành tư pháp, và gần đây nhất là dự Hội nghị của Chính phủ về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật vào 24/11. “Chính phủ chúng ta trong bất kỳ điều kiện nào cũng nhận thức rõ vai trò quan trọng của ngành tư pháp”. Trong 5 năm qua, hệ thống pháp luật của nước ta tiếp tục được hoàn thiện, phát triển cơ bản cân đối trên mọi lĩnh vực.
Nhờ đó, kinh tế-xã hội đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong khi hầu hết các nền kinh tế rơi vào suy thoái do tác động của dịch COVID-19, với việc chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt thực hiện “mục tiêu kép”, Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng dương, có thể đạt xấp xỉ 3% trong năm nay. Các định chế tài chính lớn của quốc tế đều cho rằng Việt Nam tăng trưởng đứng đầu thế giới. Xuất khẩu đạt mức kỷ lục, xuất siêu có thể đạt trên 20 tỷ USD.
Cho biết về thành công trong phòng chống dịch COVID-19, Thủ tướng dẫn lại báo cáo về thương hiệu quốc gia năm 2020 (Nation Brands 2020) mà Brand Finance, hãng định giá thương hiệu của Anh mới công bố, cho thấy, nhờ phòng chống COVID-19 tốt, giá trị thương hiệu của Việt Nam tăng lên 319 tỷ USD năm nay, tăng 29% so với năm ngoái. Thứ hạng cũng cải thiện từ 42 lên 33. Và vừa qua, tại Phiên họp toàn thể, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua Nghị quyết thành lập Ngày Quốc tế sẵn sàng chống dịch bệnh vào ngày 27/12 hằng năm. Đây là nghị quyết đầu tiên của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc trong lĩnh vực này, cũng là nghị quyết đầu tiên do Việt Nam chủ trì đề xuất, thương lượng và thúc đẩy thông qua thành công tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Nhấn mạnh vai trò của cán bộ tư pháp, Thủ tướng cho rằng, hệ thống ngành tư pháp, với đội ngũ đông, hơn 45.000 người, “gương mẫu, tận tụy trong công việc, thực thi pháp luật, thực thi công vụ”, thì đất nước có sự chuyển biến đáng mừng. Khi các đồng chí bí thư, chủ tịch tỉnh hỏi vấn đề thế nào, hay Thủ tướng, Phó Thủ tướng hỏi vấn đề này có đúng thẩm quyền không, đúng pháp luật không thì người có trách nhiệm trả lời ở địa phương là giám đốc sở tư pháp, còn ở trung ương là Bộ trưởng Bộ Tư pháp hoặc Thứ trưởng được ủy quyền. “Anh ra một quyết định có vi hiến không, có chồng chéo pháp luật không, lúc đó, cán bộ tư pháp xem kỹ, soi chặt”. Cán bộ tư pháp gương mẫu, làm tốt, tham mưu tốt thì sẽ ngăn chặn bớt các vi phạm.
“Tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2017, tôi đã nhấn mạnh: Chính phủ nhiệm kỳ này sẽ chỉ đạo, điều hành theo hướng chuyển mạnh từ mệnh lệnh hành chính sang Chính phủ kiến tạo và phục vụ, đề cao vai trò, chủ động và tập trung hơn nữa vào công tác thể chế. Điều này yêu cầu bộ, ngành Tư pháp cần thể hiện rõ nét hơn nữa vai trò tham mưu cho Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác xây dựng và thi hành pháp luật; cần cố gắng để thể chế thực sự trở thành động lực quan trọng cho sự phát triển của đất nước, phù hợp với yêu cầu xây dựng Chính phủ kiến tạo, phục vụ nhân dân và doanh nghiệp… Và phải làm thế nào để Bộ, ngành Tư pháp mạnh hơn”.
Theo Thủ tướng, đến nay, khi đã đi gần hết nhiệm kỳ và nhìn lại, chúng ta vui mừng nhận thấy, với tinh thần trách nhiệm cao, nỗ lực phấn đấu, Bộ và ngành Tư pháp đã hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, tạo sự tin tưởng không chỉ đối với Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong công tác xây dựng và thực thi pháp luật mà còn là chỗ dựa vững chắc cho các Bộ, ngành, địa phương trong xử lý các vấn đề pháp lý phát sinh trong chỉ đạo, điều hành.
Bộ Tư pháp đã thực hiện tốt vai trò là “nhạc trưởng”, cơ quan “gác cửa” trong công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật của Chính phủ trong những năm qua.
Minh Vương