Thực tế tiêm chủng vắc xin Covid-19 ở Đài Loan
Trong lúc các quốc gia bị Covid-19 tàn phá đang phải gấp rút tiêm chủng cho người dân của họ vào đầu năm nay, người dân tại Đài Loan có cảm giác không mấy gấp rút để tiêm chủng.
Hòn đảo 23 triệu dân này đã ghi nhận gần như không có ca mắc trong cộng đồng trong nhiều tháng, và nhu cầu về vắc xin thấp đến mức chỉ 1% dân số được tiêm chủng. Tuy nhiên, trong đại dịch này, mọi thứ có thể thay đổi nhanh chóng. Ngày nay, Đài Loan đang phải chống chọi với đợt bùng phát tồi tệ nhất của mình, với hơn 1.000 trường hợp mắc mới trong tuần qua trong khi những người dân muốn tiêm vắc xin nhưng không thể tiêm được.
Giờ đây, chính phủ Đài Loan đang yêu cầu Mỹ chia sẻ các vắc xin mà Tổng thống Joe Biden dự định gửi ra nước ngoài. Nhưng trên lý thuyết, có thể có một giải pháp cho Đài Loan ngay trước mắt đó là nhập khẩu vắc xin Trung Quốc.
Trung Quốc đã gửi hàng chục triệu liều vắc xin sản xuất trong nước đi khắp thế giới. Tuy nhiên, căng thẳng trên eo biển Đài Loan đã tăng cao kể từ sau đại dịch, với việc Bắc Kinh ngăn cản sự tham gia của Đài Loan tại Tổ chức Y tế Thế giới, ve vãn các đồng minh đang suy yếu của Đài Bắc và gia tăng áp lực quân sự lên hòn đảo tự quản mà nước này coi là một phần lãnh thổ của mình.
Trong bối cảnh thù địch và sự ngờ vực ngày càng gia tăng, Đài Bắc đã thẳng thừng từ chối nhận vắc xin do Trung Quốc sản xuất từ Bắc Kinh, với lý do luật Đài Loan cấm nhập khẩu vắc xin Trung Quốc cho con người. Đó là một động thái mà Bắc Kinh đã cho là tương đương với việc “hy sinh hạnh phúc của người dân vì lợi ích chính trị của riêng mình”.
Đài Bắc không nhìn nhận điều này theo cách đó và đã cáo buộc Bắc Kinh chặn nguồn cung của họ, thay vì cố gắng thúc đẩy nó. Đài Loan đã đặt hàng 20 triệu liều vắc xin – đủ để tiêm chủng đầy đủ cho 43% dân số. Tuy nhiên, cho đến nay, chỉ có khoảng 700.000 liều được cung cấp, và tất cả đều do AstraZeneca sản xuất. Theo Hãng thông tấn Trung ương chính thức của hòn đảo (CNA), năm ngoái, Đài Loan đã ký một thỏa thuận với AstraZeneca để mua 10 triệu liều vắc xin của họ. Vào tháng 3, 117.000 liều cuối cùng đã được vận chuyển từ một nhà máy ở Hàn Quốc, trở thành những vắc xin đầu tiên đến hòn đảo này. Đài Loan cũng đã đặt hàng 4,76 triệu liều thông qua COVAX – sáng kiến toàn cầu do WHO hỗ trợ nhằm đảm bảo quyền tiếp cận công bằng với vắc xin Covid-19. Đợt đầu tiên gồm 199.200 mũi tiêm đã đến vào đầu tháng 4, tiếp theo là đợt tiêm thứ hai gồm 400.000 liều vào thứ Tư.
Chính phủ Đài Loan đã triển khai chương trình tiêm chủng vào cuối tháng 3, cung cấp những mũi tiêm đầu tiên cho nhân viên y tế. Chương trình sau đó đã được mở rộng để bao gồm các sĩ quan cảnh sát, nhân viên chăm sóc, người già và quân đội. Vào giữa tháng 4, họ cho phép những người nằm ngoài danh sách ưu tiên của chính phủ được tiêm chủng với chi phí 600 Đài tệ (21 đô la) cho mỗi mũi tiêm. Nhưng sự quan tâm đến vắc xin này rất thấp, vì mọi người đã tận hưởng một cuộc sống bình thường trong nhiều tháng, đi đến các quán bar, nhà hàng, buổi hòa nhạc và chơi bóng chày. Hiện cũng có những lo ngại về các tác dụng phụ, trong bối cảnh các báo cáo về tình trạng máu đông ở những người đã tiêm vắc xin AstraZeneca.
Theo CNA, khi nguồn cung thiếu hụt, chính phủ Đài Loan đã đình chỉ chương trình trả tiền để tiêm vắc xin và dành tất cả các liều lượng còn lại cho công nhân tuyến đầu.
Nhà dịch tễ học Chen Hsiu-his cho biết khoảng 30% nhân viên y tế của Đài Loan hiện đã được tiêm phòng. Ông hy vọng con số này sẽ đạt 50% với 400.000 liều vắc xin AstraZeneca mới được đưa đến. Chen cho biết ông rất lạc quan về các loại vắc xin được phát triển trong nước của Đài Loan. Ông nói: “Họ đã báo cáo kết quả tốt trong các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 và có vẻ như chúng cũng đáp ứng tốt với các biến thể khác nhau trong môi trường phòng thí nghiệm”.
Cho đến lúc đó, Chen cho biết Đài Loan sẽ cần phải dựa vào vắc xin nước ngoài để đối phó với cuộc khủng hoảng – nhưng không phải là vắc xin từ nước láng giềng gần nhất với nguồn cung lớn nhất.
Quốc Anh