Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong năm 2020
Thống đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN) vừa ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2020, trong đó yêu cầu đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt – một giải pháp trọng tâm trong Nghị quyết 02 của Chính phủ.
Theo Chỉ thị, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2020, Nghị quyết 01 và 02 của Chính phủ, Thống đốc NHNN yêu cầu các đơn vị trực thuộc NHNN và các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quán triệt phương châm hành động của Chính phủ năm 2020 là “Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả” thực hiện tốt các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an toàn và phát triển lành mạnh hệ thống các tổ chức tín dụng.
Một nội dung nổi bật trong Chỉ thị là đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.
Tại hội nghị ngành vừa qua, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, NHNN đã phối hợp rất chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền Thông và đang chờ Bộ Tư pháp cho phép để triển khai Mobile Money trong năm 2020.
Một lần nữa, tại Chỉ thị đầu tiên trong năm mới, người đứng đầu NHNN yêu cầu ngành ngân hàng phải đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt là thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công; đảm bảo các hệ thống thanh toán, hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán ổn định, an toàn và hiệu quả.
“Đổi mới và hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm phát triển dịch vụ ngân hàng số; tăng cường an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động ngân hàng”, Chỉ thị nêu rõ.
Được biết, Nghị quyết 02 của Chính phủ đã xác định đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt là một trong những nội dung trọng tâm cải cách để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Nghị quyết yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chỉ đạo thực hiện cung cấp ít nhất 30% số dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết ở cấp độ 4; cho phép người dân, doanh nghiệp thanh toán không dùng tiền mặt bằng nhiều phương tiện khác nhau; tích hợp lên cổng dịch vụ công quốc gia theo lộ trình; đẩy mạnh phương thức tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích.
Nghị quyết 02 cũng giao NHNN chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về việc thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile-Money), thí điểm các mô hình dịch vụ thanh toán mới trong khi chưa có quy định của pháp luật để kịp thời đảm bảo công tác quản lý, nhất là đối với các hoạt động thanh toán xuyên biên giới. Hoàn thành trong quý IV năm 2020.
Cùng với đó, tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020 ban hành theo Quyết định số 2545/QĐ-TTg năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ; đề xuất biện pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian tới. Hoàn thành trong quý IV năm 2020.
Theo NHNN, đến cuối tháng 10/2019, số lượng máy ATM đạt hơn 18.900 máy với số POS đạt 282.900 máy, số lượng thẻ đang lưu hành đạt 98,2 triệu thẻ (tăng tương ứng 17,3%; 44,5% và 15,8% so với cùng kỳ năm 2018).
Giá trị giao dịch bình quân qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (IBPS) đạt gần 375 nghìn tỷ đồng/ngày (tương đương 17 tỷ USD/ngày); giá trị giao dịch qua POS đạt 491 nghìn tỷ đồng; qua điện thoại di động đạt 4,264 nghìn tỷ đồng; qua Internet đạt 17.729 nghìn tỷ đồng (tăng tương ứng 66,3%; 221,2% và 36,6% so với cùng kỳ năm 2018).
Cũng tại Chỉ thị 01, Thống đốc NHNN nêu rõ định hướng điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp đồng bộ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát bình quân dưới 4%, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế theo mục tiêu, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.
Năm 2020, định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 13%; tín dụng tăng khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Thực hiện các giải pháp về tiền tệ, tín dụng theo phương châm mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, hiệu quả, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế.
Cùng với đó, thực hiện quyết liệt và hiệu quả Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 (theo Quyết định 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ), tập trung xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng nhằm bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng; phấn đấu năm 2020, đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 2%; tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng, nợ xấu đã bán cho Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ xuống dưới 3% (không bao gồm nợ xấu của các ngân hàng thương mại yếu kém).
NHNN tiếp tục tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế; đảm bảo hệ thống văn bản pháp quy đồng bộ, đáp ứng tốt hơn yêu cầu quản lý nhà nước đối với hoạt động tiền tệ và ngân hàng trong giai đoạn sắp tới. Triển khai quyết liệt Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Cùng vói đó, đẩy mạnh cải cách hành chính đảm bảo hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước và kế hoạch cải cách hành chính của NHNN giai đoạn 2016-2020 góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Phấn đấu năm 2020 tiếp tục duy trì trong nhóm các Bộ, ngành dẫn đầu về xếp hạng chỉ số cải cách hành chính (Par Index); duy trì thứ hạng chỉ số Tiếp cận tín dụng thuộc nhóm 25 nước đứng đầu.
Thu Huyền