Thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác xã nhìn từ ưu đãi thuế

Hợp tác xã (HTX) đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước. Chính vì vậy để tạo điều kiện cho các HTX phát triển, thời gian qua Nhà nước đã có nhiều ưu đãi về thuế cho đối tượng này, nhất là ưu đãi về thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế tài nguyên, lệ phí trước bạ…

Theo khảo sát của Tổng cục Thuế, chính sách ưu đãi thuế đối với HTX trong những năm gần đây đã được sửa đổi, bổ sung nhiều lần và hiện đang được đánh giá là quy định ưu đãi ở mức cao nhất đối với HTX. Cụ thể về thuế GTGT, hiện nay chính sách ưu đãi thuế GTGT đối với HTX chủ yếu hướng vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nhất là đối với các nông sản còn ở dạng thô. Cụ thể các HTX vẫn được khấu trừ thuế GTGT đầu vào trong khi không phải ứng vốn để nộp thuế đối với sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản nuôi trồng, đánh bắt chưa qua chế biến thành các sản phẩm khác, hoặc chỉ qua sơ chế thông thường trong khâu lưu thông. Ưu đãi này nhằm khuyến khích HTX sản xuất, sơ chế, chế biến nông sản ngay tại thị trường nội địa. Đặc biệt các HTX kinh doanh hàng nông sản trong nước cũng được hưởng lợi từ quy định này, qua đó vừa tiết kiệm được chi phí vừa đảm bảo được quyền khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với các chi phí ở khâu lưu thông khi làm tăng giá trị của hàng hóa nông sản.

Cũng giống như thuế GTGT, những cải cách về chính sách thuế TNDN nói chung, chính sách ưu đãi thuế TNDN đối với HTX nói riêng ngày càng công khai, minh bạch, phù hợp với thực tiễn và đến nay đã phát huy hiệu quả thiết thực, tạo động lực thúc đẩy gia tăng dòng vốn đầu tư vào các HTX trong các lĩnh vực ưu tiên khuyến khích đầu tư. Theo ghi nhận của Tổng cục Thuế, chính sách ưu đãi thuế TNDN đối với HTX đã tạo bệ phóng thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh,  giúp các HTX có thêm nguồn lực tài chính để đẩy mạnh đầu tư phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm – hàng hoá, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường, đảm bảo công ăn việc làm ổn định cho người lao động.

Bên cạnh những ưu đãi hấp dẫn về thuế GTGT, thuế TNDN, các HTX còn được hưởng các ưu đãi về thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế tài nguyên, lệ phí trước bạ. Đặc biệt các chính sách hỗ trợ dành cho các HTX, đơn cử như chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển HTX đã tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của kinh tế thành viên; đồng thời góp phần gia tăng năng lực cạnh tranh của kinh tế hộ, nhất là hộ nông dân, các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ.

Bên cạnh chính sách ưu đãi về thuế, HTX còn được miễn, giảm trừ nhiều loại thuế. Theo thống kê của của Tổng cục Thuế, trong giai đoạn 2014 – 2016, số tiền miễn, giảm thuế trung bình đối với HTX đạt gần 60 tỷ đồng/năm. Mặc dù số tiền thuế đã miễn, giảm không lớn song số lượng HTX được miễn, giảm thuế có xu hướng tăng qua các năm, từ 2.401 HTX trong năm 2014 tăng lên 3.044 HTX vào năm 2015 và đến năm 2016 là 4.349 HTX.

Thống kê của Tổng cục Thuế cũng đồng thời cho thấy tỷ lệ HTX thực hiện nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ chiếm đa số. Hầu hết các HTX có hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT đủ điều kiện đều được cơ quan thuế xem xét, giải quyết kịp thời. Tuy nhiên, trong thực tế thì số thuế GTGT đề nghị hoàn của HTX phát sinh thấp; có cục thuế không phát sinh số hoàn thuế GTGT đối với HTX. Theo số liệu báo cáo chưa đầy đủ của các cục thuế, số lượng HTX được hoàn thuế chỉ khoảng 30 – 40 HTX/năm với số tiền hoàn thuế GTGT trong 3 năm 2014 – 2016 vào khoảng 30 – 50 tỷ đồng/năm

Thanh Tung