Thủ tướng Singapore khuyên Mỹ nên có cách tiếp cận bao trùm ở châu Á

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nói rằng Mỹ cần có cách tiếp cận bao trùm trong lúc nước này đang nỗ lực làm sâu sắc hơn mối quan hệ kinh tế của mình với châu Á và không nên áp dụng cách tiếp cận “tất cả mọi người trừ Trung Quốc” đối với khu vực này.
Ông Lý Hiển Long nói rằng việc yêu cầu các nước châu Á khước từ những tuyên bố hợp tác công khai của Trung Quốc “không chỉ là viển vông mà là sai lầm”, đồng thời kêu gọi Washington duy trì “sự can dự chồng chéo và mang tính xây dựng trong khu vực” khi họ tìm ra cách đối phó với Bắc Kinh theo cách không làm mất ổn định hệ thống toàn cầu.
Thủ tướng Singapore đã đưa ra các nhận xét trên trong cuộc đối thoại với ban biên tập của The Wall Street Journal vào ngày 1 tháng 4, trong đó đề cập đến Hồng Kông và tác động của chiến tranh Ukraine đối với châu Á.
Khi được hỏi về tình hình của Hồng Kông sẽ ảnh hưởng đến Singapore như thế nào, Lý Hiển Long nói rằng việc rời khỏi Hồng Kông do “mệt mỏi với các quy định hạn chế Covid-19” chỉ là ngắn hạn. Ông nói: “Một số người trong số họ có thể muốn đến Singapore. Chúng tôi rất vui được chào đón họ, nhưng thực sự chúng tôi sẽ hài lòng hơn nếu họ vẫn vui vẻ ở lại Hồng Kông. Đó là sự cạnh tranh đối với Singapore, nhưng nó sẽ tạo nên một khu vực sôi động, năng động và Singapore thuộc khu vực sẽ được hưởng lợi từ điều đó”.
Theo ông, vấn đề lâu dài hơn đối với Hồng Kông là các luật mới được ban hành sau các cuộc biểu tình lan rộng vào năm 2019, đặc biệt là Luật An ninh Quốc gia quy định các hành vi như ly khai, phá hoại, khủng bố và cấu kết với các lực lượng nước ngoài.
Điều này đã khiến một số công ty đặt câu hỏi về sự tiếp tục hiện diện của họ trong thành phố và liệu việc di dời có tốt hơn không. Ông nói: “Có thể là một số người trong số họ sẽ chuyển đi. Một số có thể đến Singapore. Một số có thể đi nơi khác. Chúng ta sẽ phải chờ xem”.
Về câu hỏi những tính toán an ninh của các nước châu Á đã thay đổi như thế nào khi Nga xâm lược Ukraine và liệu ông có nghĩ rằng cuộc xung đột đã ảnh hưởng đến suy nghĩ của Bắc Kinh đối với đảo Đài Loan tự trị hay không, ông cho biết quan điểm của mình là chiến tranh ở Ukraine không ảnh hưởng nhiều đến triển vọng của Đài Loan theo cách này hay cách khác. Nhưng cuộc xung đột đã khiến tất cả các chính phủ phải xem xét lại các biện pháp phòng thủ của họ, lưu ý rằng Nhật Bản và Hàn Quốc đã bắt đầu nói về vũ khí hạt nhân.
Khi được yêu cầu giải thích thêm về điểm này, do một số quốc gia có thể tranh luận rằng họ cần “tăng cường răn đe”, Lý Hiển Long cho biết một câu hỏi cần đặt ra là liệu tất cả những người chơi có vũ khí hạt nhân có hiểu “các sắc thái của sự hủy diệt chung” hay không.
Ông nói: “Tôi không nghĩ Kim Jong-un là người điên rồ; anh ta chắc chắn không muốn tự sát. Nhưng giả sử vũ khí hạt nhân phổ biến ở Trung Đông, bạn có chắc rằng những biện pháp hạn chế đó sẽ được áp dụng? Và ngay cả ở Đông Bắc Á, ngay cả khi có các biện pháp hạn chế, bạn có chắc rằng tai nạn sẽ không xảy ra?”. Ông đồng thời chỉ ra rằng trước đây đã có nhiều trường hợp suýt xảy ra chiến tranh hạt nhân trong thời Chiến tranh Lạnh, đặc biệt là cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba.
Bình luận về hợp tác Mỹ-Singapore, Lý Hiển Long nói rằng mặc dù chính quyền Singapore ủng hộ sự tham gia của Washington trong khu vực “điều đó không có nghĩa là chúng tôi chiến đấu kề vai sát cánh với các bạn, hoặc chúng tôi mong các bạn sẽ đến cứu chúng tôi nếu có điều gì đó xảy ra với chúng tôi”.
Bảo Ngọc