Thủ tướng chỉ đạo lập Tổ công tác đặc biệt ứng phó tác động của xung đột Nga – Ukraine tới Việt Nam

Trước diễn biến căng thẳng của chiến sự Nga-Ukraine, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo lập Tổ công tác đặc biệt nhằm giải quyết và ứng phó kịp thời trước tác động của cuộc xung đột này tới Việt Nam (kinh tế; vấn đề bảo hộ công dân…). Tổ công tác đặc biệt này sẽ do Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh làm tổ trưởng

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 2, ngày 3/3. Ảnh: VGP

Nga và Ukraine vốn là hai quốc gia có vị thế quan trọng trong chuỗi cung ứng và năng lượng toàn cầu. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, căng thẳng Nga-Ukraine vẫn đang diễn biến phức tạp, chưa biết lúc nào có điểm dừng. Các chuyên gia kinh tế nhìn nhận cuộc chiến này sẽ gây nên những tác động cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn đối với thế giới, trong đó có Việt Nam; nhất là khi lệnh trừng phạt của các nước dành cho Nga chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, năng lượng…Trong bối cảnh đó, việc thành lập Tổ công tác đặc biệt sẽ giúp Việt Nam chủ động nắm bắt tình hình, dự báo những diễn biến có thể xảy ra từ sớm; từ đó có những cách thức ứng phó phù hợp, vừa ổn định tình hình sản xuất kinh doanh trong nước vừa đảm bảo mục tiêu kinh tế vĩ mô đặt ra.

Trong Báo cáo đánh giá tác động của căng thẳng chính trị thế giới đến kinh tế Việt Nam, Drangon Capital cho rằng ảnh hưởng từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đến Việt Nam không quá lớn nhưng Việt Nam có thể vẫn chịu tác động từ gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Ảnh hưởng rõ ràng nhất tới nền kinh tế Việt Nam sẽ là giá xăng dầu trong nước tăng và lạm phát có thể tăng theo. Thêm vào đó, cán cân thương mại của Việt Nam có thể sẽ không được tích cực như kỳ vọng vì chi phí nhập khẩu dầu tăng cao và có khả năng xuất khẩu giảm do sự thiếu hụt của nguyên phụ liệu trong sản xuất các mặt hàng điện tử.

Hiện tại trong rổ hàng hoá tính lạm phát của Việt Nam, mặt hàng xăng dầu đóng góp 3,6% và nhóm giao thông vận tải chiếm 9,7%. Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine có thể tác động đến thị trường hàng hóa toàn cầu, khiến giá dầu Brent tăng cao và ảnh hưởng tới nền lạm phát của Việt Nam. Để ứng phó với tình hình này, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các Bộ nghiên cứu một số chính sách về thuế, phí để giảm chi phí đầu vào. “Yêu cầu đặt ra là phải giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn; chính vì vậy các Bộ, ngành phải điều hành chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ chính sách tiền tệ và tài khoá” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Với diễn biến thị trường xăng dầu khan hiếm nguồn cung khi Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn giảm công suất vừa qua, người đứng đầu Chính phủ đề nghị cần có giải pháp nâng cao năng lực sản xuất xăng dầu trong nước; phòng, chống tiêu cực trong phòng chống dịch, giá cả nguyên vật liệu, xăng dầu…

Về giải ngân đầu tư công hai tháng đạt hơn 8,6% kế hoạch, Thủ tướng giữ nguyên quan điểm cần đẩy mạnh hơn nữa công tác đầu tư, nhất là đầu tư cho hạ tầng. Yêu cầu đặt ra là việc phân bổ vốn công phải tích cực và đúng hướng; kiên quyết điều chỉnh vốn của các Bộ, ngành, địa phương chưa phân bổ xong kế hoạch vốn trong tháng 3, sau đó kiểm điểm trách nhiệm.

Như Anh