Thủ tục gia nhập thị trường của doanh nghiệp còn rắc rối

Ngày 24/6, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức tọa đàm “Điều kiện gia nhập thị trường, tổ chức quản lý và hoạt động của DN: Vướng mắc và kiến nghị”. Theo đánh giá của Ban Pháp chế (VCCI), thủ tục gia nhập thị trường của doanh nghiệp (DN) còn rắc rối, chồng chéo. Đây chính là rào cản với các DN nhỏ và vừa khi họ tham gia thị trường.

Khai mạc tọa đàm, Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhận định, việc cải cách, cắt giảm các điều kiện kinh doanh, hỗ trợ DN gia nhập thị trường là yêu cầu quan trọng, xuyên suốt và cũng là áp lực của cơ quan quản lý, nhất là vấn đề quy hoạch đất đai, xây dựng, môi trường…VCCI đã đề xuất 25 điểm chồng chéo, bất cập trong các quy định hiện hành. Nhiều cơ quan, bộ ngành đã vào cuộc cùng tham gia rà soát theo yêu cầu của VCCI. Quốc hội và Chính phủ cũng rất quan tâm và đã xây dựng tổ công tác chuyên biệt để xử lý vấn đề này. 

Trên thực tế qua 2 đợt cải cách trước đây, cũng đã có nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc của DN liên quan tới điều kiện kinh doanh đã được đơn giản hóa, thậm chí hủy bỏ. Tuy nhiên tới đây, các cơ quan quản lý cần nhiều nỗ lực hơn nữa, gia tăng tốc độ thực thi các yêu cầu, chỉ đạo của Chính phủ trong việc tạo thuận lợi và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.

Ông Vũ Tiến Lộc bày tỏ hy vọng, đợt tổng rà soát 11 lĩnh vực mà dự kiến được triển khai tới đây sẽ không chỉ giới hạn ở tầm nghị định, thông tư mà còn ở toàn bộ hệ thống văn bản pháp luật về kinh doanh. Đồng thời, đưa ra được những kiến nghị tới Chính phủ và Quốc hội để có được những sửa đổi thích hợp nhằm xử lý những bất cập, bất hợp lý và tạo nên làn sóng thứ 3 về cải cách, góp phần thúc đẩy công cuộc cải cách thể chế ở Việt Nam.

Theo bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, thành viên Ban Pháp chế – VCCI, để thực hiện báo cáo điều kiện gia nhập thị trường, tổ chức quản lý, hoạt động của DN nhóm chuyên gia của Ban Pháp chế, VCCI đã thực hiện khảo sát lấy ý kiến của các doanh nghiệp, hợp tác xã, UBND các tỉnh, thành phố bằng công văn và qua website Vibonline.com.vn

Qua đó, Ban Pháp chế đã tiếp nhận 774 ý kiến phản ánh, kiến nghị từ các hiệp hội, DN gửi về. Từ kiến nghị của cộng đồng DN nhóm nghiên cứu đã tiến hành rà soát 411 văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư kinh doanh, đưa ra 106 kiến nghị với các bộ, ngành.

Cụ thể, VCCI đã đề nghị các bộ, ngành đã đề nghị sửa đổi 93 văn bản quy phạm pháp luật, 32 luật, 51 nghị định và 10 thông tư để khắc phục những chồng chéo, những rào cản về kinh doanh hiện nay.

Theo nhận định của nhóm nghiên cứu VCCI, hệ thống pháp luật về đầu tư kinh doanh hiện nay còn nhiều bất cập. Nhiều ngành nghề kinh doanh có điều kiện cần được bãi bỏ, cần điều chỉnh cho phù hợp vì nhiều nhóm ngành nghề đưa vào nhóm kinh doanh có điều kiện là cần thiết, nhưng Nhà nước lại đang can thiệp quá sâu vào quyền tự quyết của DN.

Nhiều thủ tục gia nhập thị trường của DN còn rắc rối, chồng chéo, cần tiếp tục đơn giản thủ tục thực hiện. Đây chính là rào cản với các DN nhỏ và vừa khi họ tham gia thị trường.

TS. Nguyễn Thị Yến – Giảng viên Đại học Luật Hà Nội cho biết, hiện nay còn một số thủ tục hành chính về đăng ký DN chưa được thực hiện song hành tự động trên mạng trực tuyến, tạo gánh nặng chi phí cũng như thời gian cho DN. Cụ thể, sau 3 ngày, DN có giấy chứng nhận đăng ký DN nhưng sau đó phải làm thủ tục công bố mẫu dấu, thủ tục này cũng có kết quả sau 3 ngày. Khi có mẫu dấu, DN mới tiến hành mở tài khoản tại ngân hàng, bởi trong hồ sơ mở tài khoản, các ngân hàng đều yêu cầu DN phải đóng dấu vào hồ sơ giấy tờ…

Bà Yến kiến nghị cần tích hợp các hoạt động đăng ký DN, đăng ký mẫu dấu trên cùng hệ thống đăng ký DN để đỡ mất thời gian cho chủ thể kinh doanh. Nếu có thể, hệ thống này nên kết nối với ngân hàng, bảo hiểm xã hội…để DN có thể mở tài khoản ngân hàng, thông báo số tài khoản ngay trên hệ thống, cũng như kê khai bảo hiểm cho người lao động.

Bà Yến cũng đề nghị cần thống nhất một đầu mối quản lý thông tin về DN. Cụ thể, sau khi cấp giấy phép thành lập, giấy phép hoạt động, các cơ quan quản lý chuyên ngành nên chuyển thông tin về DN cho cơ quan đăng ký kinh doanh để cập nhật lên cổng thông tin đăng ký DN quốc gia.

Luật sư Lê Nết, đại diện Công ty Luật LNT&Parterns bày tỏ quan điểm về việc chưa ban hành danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện áp dụng đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, hiện nay danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện áp dụng với các FDI mới chỉ được công bố một cách không chính thức trên Cổng thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài.

Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa quy định danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện áp dụng đối với các nhà đầu tư nước ngoài, dẫn tới khó khăn trong quá trình thực hiện các thủ tục đăng ký đầu tư của nhà đầu tư; cũng như hoạt động của doanh nghiệp tại Việt Nam. Vì vậy, việc chính thức ban hành danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài là cần thiết.

Ngoài ra, hiện nay vẫn còn thiếu quy định về thời hạn trả lời văn bản lấy ý kiến đối với ngành nghề, dịch vụ chưa cam kết; các thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự còn rườm rà, phức tạp; cũng chưa có sự tách biệt, rõ ràng về quy định thành lập doanh nghiệp hay thành lập dự án. Đối với ngành, nghề chưa cam kết, đồng thời phải xin giấy phép kinh doanh, cơ quan đăng ký cũng phải thực hiện việc xin ý kiến của các bộ, ngành 2 lần.

Duy Lâm