Thống đốc Haruhiko Kuroda – Ứng cử viên sáng giá cho chiếc ghế Thủ tướng Nhật Bản

Mới đây Thủ tướng Shinzo Abe đã thông báo quyết định từ chức khi nhiệm kỳ hiện tại vẫn còn hơn 1 năm. Bên cạnh sự tiếc nuối vị thủ tướng tài ba đã đem lại rất nhiều thay đổi cho “đất nước Mặt trời mọc”, điều dư luận quan tâm là liệu ông Haruhiko Kuroda – Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) có theo gót từ chức cùng nhà lãnh đạo Abe hay không. Nếu điều này xảy ra, tác động của nó đến thị trường sẽ lớn hơn nhiều so với việc Cựu thủ tướng Abe từ chức.

Thủ tướng Abe lên nắm quyền vào tháng 12/2012 sau khi đảng Dân chủ Tự do (LDP) giành thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử Hạ viện. Ngay khi lên nắm quyền, ông đã triển khai chính sách kinh tế mới với tên gọi Abenomics – một tập hợp các biện pháp cải cách tiền tệ, tài chính, cơ cấu kinh tế hướng tới thúc đẩy tăng trưởng và đưa Nhật Bản thoát khỏi tình trạng giảm phát kéo dài trong nhiều thập kỷ.

Mặc dù nổi tiếng với chính sách “Abenomics” song kế hoạch cải tổ nền kinh tế của Thủ tướng Abe lại dựa chủ yếu vào những gói kích thích của BoJ. Nhật Bản đã chi hàng trăm tỷ USD kể từ năm 2013, nhất là để hiện đại hóa cơ sở hạ tầng trên toàn quốc, trong đó có cơ sở vật chất phục vụ Thế vận hội Tokyo 2020. Các khoản chi tiêu đã góp phần thúc đẩy doanh thu và đầu tư vào hoạt động kinh doanh, các thị trường tài chính và bất động sản và góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản trong vài năm.

Tuy vậy, nỗ lực này cũng không ngăn được nền kinh tế Nhật Bản đi “chệnh hướng” vài lần. Thậm chí, cam kết nới lỏng tài khóa của nhà lãnh đạo Abe cũng không thể thực hiện với các lần nâng thuế tiêu thụ vào các năm 2014 và 2019. Các nhà kinh tế luôn cảnh báo rằng việc tăng thuế nói trên sẽ đẩy kinh tế Nhật Bản vào tình trạng thụt lùi

Còn theo chuyên gia Jeff Kingston của Trường Đại học Temple (Thủ đô Tokyo), Thủ tướng Abe đã thất bại trong việc thực hiện mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế Nhật Bản, bằng chứng là GDP của xứ Phù Tang ở thời điểm hiện tại còn thấp hơn thời kỳ năm 2013 khi ông Abe mới lên nắm quyền. “Trên thực tế, nền kinh tế Nhật Bản đang được điều hành bởi BoJ và việc Thủ tướng Abe từ chức sẽ chẳng ảnh hưởng mấy đến chính sách kinh tế của quốc gia này” – ông Jeff Kingston nhận định.

Giới truyền thông cho rằng Thủ tướng Abe khá may mắn khi các chính sách kích thích kinh tế của ông diễn ra ở thời điểm vô cùng thuận lợi: thị trường toàn cầu đang hồi phục; kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản trên đà tăng trưởng; BoJ hạ giá đồng Yên giúp nhiều doanh nghiệp của Nhật, nhất là doanh nghiệp du lịch được hưởng lợi….Thêm vào đó, những gói kích thích kinh tế cũng đẩy chỉ số Nikkei 225 tăng 57% trong năm 2013. Điều này phản ánh niềm tin của nhà đầu tư vào các chính sách kinh tế của Chính phủ Nhật Bản.

Ông Abe từng kỳ vọng các chính sách kích thích của BoJ sẽ tạo niềm tin trong xã hội, làm gia tăng tiêu dùng cũng như thúc đẩy sản xuất. Tuy nhiên một số chuyên gia cho rằng sự tăng trưởng ngắn hạn của Nhật Bản không đến từ các gói kích thích kinh tế mà đến từ sự hồi phục của nền kinh tế Mỹ và sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Do tính chất tăng trưởng “nóng”, trong ngắn hạn, lại phụ thuộc quá nhiều vào nền kinh tế Mỹ – Trung nên khi chiến tranh thương mại nổ ra, đặc biệt là dịch Covid-19 bùng phát, nền kinh tế Nhật Bản bị tổn thương nghiêm trọng; đồng thời những nhược điểm vốn có cũng bộc lộ rõ ra bên ngoài. Trong bối cảnh đó, các chính sách của BoJ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết và so với việc ông Abe từ chức thì việc Thống đốc Kuroda có từ chức hay không ảnh hưởng lớn hơn rất nhiều đến nền kinh tế xứ Phù Tang.

Do tính chất phức tạp của chính trường Nhật mà đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có ai thực sự nắm quyền điều hành nội các. Trong khi dư luận hồi hộp đồn đoán ai sẽ thay thế nhà lãnh đạo Abe thì các chuyên gia lại xem Thống đốc Kuroda là ứng cử viên sáng giá. Kể từ khi được bổ nhiệm, Thống đốc Kuroda đã tung 4,9 nghìn tỷ USD để mua lại trái phiếu, kích thích kinh tế cũng như gia tăng nợ công cho ngân sách. Theo chuyên gia phân tích Nicholas Smith của CLSA Japan, người đứng đầu BoJ mới là nhân vật có thể mang lại sinh lực và sắc thái mới cho nền kinh tế Nhật Bản hơn là nhà lãnh đạo Abe.

Minh Anh