Thị trường M&A bất động sản công nghiệp chuyển mình đón làn sóng đầu tư nước ngoài mới
Báo cáo hoạt động mua bán sáp nhập (M&A) bất động sản công nghiệp vừa được Savills Việt Nam công bố cho thấy dù đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư đang diễn biến phức tạp song hoạt M&A vẫn diễn ra hết sức sôi động trên thị trường bất động sản công nghiệp với nhiều thương vụ giá trị cao, tạo đà tăng trưởng cho phân khúc tiềm năng này.
Điểm lại những thương vụ M&A bất động sản công nghiệp nổi bật trong 6 tháng đầu năm nay có thể kể đến thương vụ Công ty TNHH Boustead Projects đạt được thỏa thuận mua lại 49% cổ phần của Công ty CP Công nghiệp Logistics KTG & Boustead. Cái “bắt tay” chiến lược này sẽ mang lại 13 tài sản bất động sản (10 bất động sản thuộc về KTG; 3 bất động sản thuộc về Boustead Projects) với tổng giá trị tài sản lên tới 141 triệu USD, bao gồm khoảng 840.000 m2 diện tích đất và khoảng 550.000 m2 tổng diện tích cho thuê…
Ngoài ra không thể không kể đến thương vụ liên doanh giữa đại gia bất động sản hậu cần hàng đầu tại khu vực châu Á Thái Bình Dương – ESR Cayman Limited và Công ty CP Phát triển Công nghiệp BW để phát triển 240.000 m2 diện tích bất động sản công nghiệp tại Khu công nghiệp Mỹ Phước 4. Thông qua thương vụ này cũng phần nào cho thấy tham vọng của ESR Cayman Limited thâm nhập thành công thị trường bất động sản hậu cần đầy tiềm năng của Việt Nam và từ bàn đạp này sẽ vươn rộng ra chiếm lĩnh thị trường khu vực Đông Nam Á
Về các dự án mới, dự kiến trong quý IV/2021 dự án của Logos Property tại Khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh 1 sẽ chính thức đi vào hoạt động với tổng diện tích 81.000 m2. Một tân binh khác là Công ty CP Tập đoàn Khu công nghiệp Việt Nam cũng gây sự chú ý khi thực hiên thương vụ thâu tóm quỹ đất rộng 250 ha, vốn đầu tư 300 triệu USD để phát triển các nhà máy và kho cho thuê phân khúc cao cấp, bền vững với danh mục đầu tư trải dài khắp từ Bắc chí Nam (Bắc Giang, Hải Phòng, Hải Dương, Đồng Nai, Long An….).
Ông John Campbell – Quản lý bộ phận Bất động sản công nghiệp Savills Việt Nam cho biết trong 6 tháng đầu năm, cùng với sự tăng nhiệt của thị trường M&A bất động sản công nghiệp thì dòng vốn đầu tư FDI vào lĩnh vực sản xuất và các khu công nghiệp cũng diễn ra hết sức sôi động. Tính đến ngày 20/6, FDI vào Việt Nam đạt 15,27 tỷ USD; tính riêng lĩnh vực sản xuất thu hút được 3,38 tỷ USD vốn FDI. Trong đó khu vực phía Bắc dẫn đầu với các khoản đầu tư mới đăng ký vào lĩnh vực sản xuất lên đến 1,97 tỷ USD, chiếm 64% thị phần; đứng thứ hai là khu vực phía Nam với 728 triệu USD, chiếm 23% thị phần; đứng thứ ba là khu vực miền Trung với 395 triệu USD, chiếm 13% thị phần.
Xét theo địa phương, tỉnh Bắc Giang dẫn đầu với vốn đăng ký mới đạt 589 triệu USD; đứng thứ hai là Quảng Ninh với 569 triệu USD; đứng thứ ba là Bắc Ninh với 222 triệu USD và thứ tư là Bình Dương với 208 triệu USD. Xét theo quốc gia và vùng lãnh thổ, các nhà đầu tư Hong Kong đã đầu nguồn FDI vào lĩnh vực sản xuất cao nhất trong nửa đầu năm với hơn 852 triệu USD, chiếm 27% thị phần. Singapore đứng ở vị trí thứ hai với 655 USD (21%), tiếp theo là Trung Quốc với 549 USD (18%) và Hàn Quốc với 330 triệu USD (11%).
Theo ông David Jackson – Tổng Giám đốc Colliers Việt Nam, cùng với sự sôi động trong 6 tháng đầu năm, thị trường bất động sản công nghiệp, hậu cần những tháng còn lại của năm cũng sẽ đối mặt với không ít thách thức khi dịch bệnh lây lan nhanh, xâm nhập vào các khu công nghiệp gây bùng phát lớn trên cả nước. “Bên cạnh các thách thức dịch bệnh diễn biến phức tạp, công cuộc thu hút đầu tư nước ngoài vào bất động sản công nghiệp Việt Nam vẫn còn một số điểm nghẽn: cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ; chi phí logistics chưa cạnh tranh; một số vấn đề về cơ chế và quy định pháp luật để thu hút các nhà đầu tư lớn. Nếu cải thiện được các điểm yếu này, thị trường có thể phát triển với tốc độ nhanh hơn và bền vững hơn” – ông David Jackson nhấn mạnh.
Huy Anh