Thị trường bán lẻ Việt Nam và sức hút khó cưỡng với các doanh nghiệp ngoại

Với mức tăng trưởng kinh tế ấn tượng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong vòng 4 năm trở lại đây, Việt Nam đang trở thành “miếng bánh béo bở” thu hút đông đảo các nhà bán lẻ nước ngoài.

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2019 kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng 7,02%; trong đó doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cũng ghi nhận mức tăng ấn tượng, đạt 4.940,4 nghìn tỷ đồng, tăng 11,8% so với năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,2% (năm 2018 tăng 8,4%). Mức thu nhập bình quân đầu người hàng tháng ước đạt 4,2 triệu VND, cao hơn so với năm 2018 (3,9 triệu VND)

Những con số ấn tượng này phần nào cho thấy tiềm năng tăng trưởng hết sức dồi dào của thị trường bán lẻ Việt Nam tạo sức hút khó cưỡng đối với các nhà bán lẻ nước ngoài, nhất là các “ông lớn” đến từ Hàn Quốc – nơi mà vấn đề già hóa dân số và nhiều hộ gia đình một người ưa thích mua sắm trực tuyến hơn.

Các đại gia ngành hàn bán lẻ của xứ Kim Chi như Lotte Shopping (công ty con của Tập đoàn Lotte), E-Mart… hiện đã có mặt tại Việt Nam và đang lên kế hoạch mở rộng quy mô trong năm tới. Trong đó Lotte Shopping là nhà bán lẻ Hàn Quốc tiên phong gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 2008. Hiện doanh nghiệp này đang vận hành 14 siêu thị Lotte Mart trên khắp Việt Nam và một trung tâm thương mại tại Hà Nội. Về phía E-Mart chính thức khai trương cửa hàng siêu thị đầu tiên tại Tp.HCM vào tháng 12/2015. Với thành công về doanh thu của cửa hàng đầu tiên tại Quận Gò Vấp, E-Mart đang lên kế hoạch mở thêm một cửa hàng khác tại Tp.HCM vào năm 2020.

Ông Nguyễn Vũ Đức – Giám đốc ngành hàng tiêu dùng tại Deloitte Việt Nam cho biết mặc dù ngành bán lẻ của Việt Nam có tiềm năng phát triển to lớn, nhưng mức độ cạnh tranh rất khốc liệt. Việt Nam cũng đang chứng kiến một cuộc chiến gay gắt giữa các ông lớn trong và ngoài nước ở mọi kênh bán lẻ nhằm giành quyền chi phối thị trường,

Trong bối cảnh đó, các nhà bán lẻ đến từ Hàn Quốc cũng phải đối mặt với sức ép cạnh tranh đến từ các doanh nghiệp Việt Nam. Điển hình có thể kể đến trường hợp sáp nhập các hoạt động bán lẻ của Vingroup với các hoạt động sản xuất hàng tiêu dùng của Masan Group để tạo ra công ty bán lẻ lớn nhất Việt Nam vào tháng 12/2019. Thương vụ này sẽ giúp tối ưu hóa thế mạnh hoạt động của Masan và gia tăng thêm sức mạnh trên thị trường bán lẻ Việt. Còn ở phân khúc trung tâm thương mại kết hợp giữa hoạt động mua sắm với hoạt động vui chơi giải trí, Vingroup cũng đang nắm giữ đến 60% thị phần trung tâm thương mại tính theo diện tích sàn tại 2 thành phố lớn nhất nước Hà Nội và Tp.HCM.

Bên cạnh Hàn Quốc, các nhà bán lẻ Nhật Bản cũng đang chuyển hướng vào Việt Nam và các cửa hàng tiện lợi của họ cũng được người tiêu dùng Việt đánh giá rất cao. Trong số đó, Aeon Mall đang là cái tên nổi bật hơn cả trên thị trường. Cuối năm ngoái, thương hiệu này vừa khai trương trung tâm thương mại thứ 2 tại Hà Nội và thứ 5 tại Việt Nam là Aeon Mall Hà Đông. Cùng với việc mở rộng các trung tâm thương mại, Aeon cho biết cũng sẽ nỗ lực để nâng cao tỷ lệ hàng Việt Nam bày bán tại các siêu thị và bách hóa Aeon. Hiện có khoảng hơn 2.600 nhà cung ứng Việt Nam cung cấp hàng hóa cho Aeon.

Một cái tên đáng chú ý khác là nhà bán lẻ thời trang Uniqlo khi hãng này vừa khai trương cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam. “Việt Nam quả thực là một thị trường hấp dẫn bậc nhất và đó là lý do chúng tôi chọn quốc gia này làm điểm đến”, ông Tadashi Yanai – Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Fast Retailing – nhà điều hành của thương hiệu thời trang Uniqlo chia sẻ.

Thiên Phú