Thị trường bán lẻ Việt Nam và sự chuyển dịch mạnh mẽ sang xu hướng mua sắm đa kênh
Công ty Deloitte Việt Nam vừa công bố báo cáo “Ngành bán lẻ Việt Nam: Chuyển dịch nhanh sang mô hình bán hàng đa kênh”; cập nhật những thay đổi trong xu hướng tiêu dùng sau đại dịch Covid-19. Báo cáo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự chuyển dịch chiến lược lựa chọn kênh bán hàng của các doanh nghiệp bán lẻ.
Báo cáo của Deloitte Việt Nam nhận định trước Covid-19, mảng đại siêu thị tại Việt Nam có vẻ ổn định về mặt số lượng, diện tích sàn và doanh số giảm nhẹ 0,2% trong năm 2019. Lý do có thể vì đại siêu thị nằm không gần khu dân cư. Tính đến hết năm 2019, cả nước có 58 đại siêu thị với các “tay chơi”chính gồm Big C, Lotte Mart, AEON và E-Mart; trong đó chuỗi Big C của Thái Lan chiếm 57,6% thị phần. tính đến hết năm 2019,
Còn trong mảng siêu thị, năm 2019 cả nước có tổng cộng 3.450 siêu thị với tổng diện tích sàn lên đến hơn 1,6 triệu m2. Có thể thấy mảng kinh doanh này hầu hết đều do các “ông lớn” trong nước chiếm lĩnh, có thể kể đến Saigon Co.op với 43% thị phần, Bách Hóa Xanh với 14% thị phần…Sự phát triển ổn định trong 4 năm qua của các doanh nghiệp bán lẻ trong nước được cho là nhờ sự am hiểu thị trường nội địa cũng như việc đẩy mạnh cung cấp các sản phẩm mang nhãn hiệu riêng đã nhanh chóng chiếm lĩnh được niềm tin của người tiêu dùng. Tuy nhiên trong báo cáo của Deloitte không hề nhắc đến thị phần của Vinmart.
Theo Deloitte Việt Nam, thời điểm dịch Covid-19 hoành hành, mảng siêu thị và đại siêu thị ghi nhận sức mua tăng mạnh, hơn hẳn các mô hình bán lẻ truyền thống nhờ vào sự đa dạng của sản phẩm, giúp khách hàng hạn chế đi lại, tránh tiếp xúc với nguy cơ nhiễm bệnh, từ đó giảm thiểu lây lan dịch bệnh.
Đơn cử như Saigon Co.op, lượt khách gọi điện đến đặt hàng tại siêu thị tăng từ 4-5 lần trong khi lượt ghé thăm trang thương mại điện tử của công ty này tăng 10 lần kể từ tháng 1/2020. “Nhìn chung, người tiêu dùng thành thị vẫn ưa chuộng siêu thị và cửa hàng tiện lợi hơn vì sự tiếp cận dễ dàng của những mô hình này. Đại siêu thị chỉ được tận dụng với những trường hợp mua sắm lượng hàng lớn” – Deloitte Việt Nam đánh giá
Ở mảng cửa hàng tiện lợi, tính đến hết năm 2019, cả nước có 1.289 cửa hàng tiện lợi, tăng 101 điểm bán so với năm 2018. Những năm qua hệ thống các cửa hàng tiện lợi đã phát triển nhanh chóng khắp Việt Nam với các thương hiệu quen thuộc như Family Mart (chiếm 21,4% thị phần), Circle K (20,7% thị phần), B’s Mart (9,6% thị phần)…. Quy mô thị trường nhờ đó lên đến 4.400 tỷ đồng, đạt mức tăng trưởng doanh số 18%.
Báo cáo của Deloitte Việt Nam cũng đồng thời cho thấy cho thấy Covid-19 đã mang nhiều khách hàng mới đến với các cửa hàng tiện lợi. Đặc biệt trong tháng 3/2020, lượng mua sắm tại cửa hàng tiện lợi tăng đỉnh điểm. Đối với những doanh nghiệp hoạt động trong mảng mua sắm này, đây thực sự là cơ hội vàng để giữ chân khách hàng, biến khách hàng mới thành khách hàng trung thành.
Một điểm đáng lưu ý là sau Covid-19, một bộ phận lớn người tiêu dùng Việt Nam bắt đầu làm quen với thương mại điện tử, đẩy nhu cầu mua sắm qua kênh này tăng cao. Đó là lý do Deloitte Việt Nam đưa ra dự báo rằng thương mại điện tử sẽ là xu hướng dài hạn mà các nhà bán lẻ cần chú trọng. Nói cách khác Deloitte cho rằng đại dịch Covid-19 đã tạo chuyển dịch mạnh mẽ sang xu hướng mua sắm đa kênh.
Thanh Trúc