Thêm gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng cho khách hàng chịu ảnh hưởng dịch Covid-19
Vừa qua Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tăng cường triển khai các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tại đây các ngân hàng thương mại (NHTM) đã cam kết sẽ dành khoảng 250.000 tỷ đồng cho vay hỗ trợ; tùy thuộc vào mỗi ngân hàng sẽ có chính sách hỗ trợ khác nhau.
Từ liều vaccine chống sốc tức thời….
Phát biểu tại Hội nghị, ông Đào Minh Tú – Phó Thống đốc NHNN cho biết từ trước nay câu chuyện giãn nợ, giảm lãi thường chỉ dành cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, tuy nhiên thời điểm dịch bệnh hoành hành như hiện nay đã gây rủi ro cho nhiều nhóm đối tượng. Ảnh hưởng của dịch bệnh khiến khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn, từ đó gia tăng tỉ lệ nợ quá hạn, nợ xấu.
Theo thống kê của NHNN, ước tính có khoảng 926.000 tỉ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chiếm khoảng 14,27% trên tổng dư nợ của 23 NHTM thực hiện báo cáo với NHNN và chiếm khoảng 11,3% dư nợ cho vay toàn hệ thống. Ngoài giảm lãi vay, hiện đã có khoảng 30 ngân hàng thương mại triển khai các chương trình miễn, giảm phí giao dịch, phí chuyển tiền cho người dân, doanh nghiệp; qua đó vừa chia sẻ gánh nặng chi phí với cộng đồng vừa góp phần đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, hạn chế nguy cơ lây nhiễm dịch.
Số liệu thống kê của NHNN cũng cho thấy để chia sẻ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khắc phục thiệt hại, bước đầu các NHTM đã thực hiện hỗ trợ cho trên 44.000 khách hàng với dư nợ khoảng 220.000 tỷ đồng. Trong đó có trên 200 khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ; gần 5.000 khách hàng vay vốn đã được giảm lãi phí, tập trung nhiều nhất vào các lĩnh vực có khả năng ảnh hưởng lớn như: nông, lâm nghiệp và thủy sản, doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu, dịch vụ lưu trú, ăn uống, thực phẩm, đồ uống, vận tải, dệt may, da giầy, điện tử, điện lạnh, dầu khí, du lịch, giáo dục…
Ngoài ra các NHTM cũng đang xây dựng chương trình hỗ trợ, gói tín dụng để tiếp tục đầu tư cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 với tổng giá trị khoảng 250.000 tỷ đồng trên toàn hệ thống. Điểm đáng tuyên dương là các gói hỗ trợ tín dụng này hoàn toàn do các ngân hàng tự cân đối nguồn, tuyệt đối không dùng nguồn ngân sách nhà nước. Mức lãi suất sẽ tùy thuộc vào tình hình cụ thể của khách hàng và đơn vị bị ảnh hưởng để căn cứ, không có mức cố định. Bình quân các NHTM sẽ giảm 0,5-1% so với mặt bằng lãi suất trên thị trường.
Không chỉ đối với các khoản giải ngân mới, một số ngân hàng còn tính tới chuyện giảm lãi vay cho cả những khoản vay hiện hữu. Những hỗ trợ tức thì về nguồn vốn được xem như liều vaccine giúp doanh nghiệp hạn chế được cú sốc từ dịch Covid-19.
…Đến liều thuốc dài hơi hơn
Nếu giảm lãi suất được xem là liều vaccine chống sốc tức thời thì ngành ngân hàng cũng đồng thời đưa ra liều thuốc dài hơi hơn chính là cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giãn nợ cho những khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch. Một dự thảo thông tư hướng dẫn chi tiết vừa được NHNN đưa ra lấy ý kiến.
Theo đó, các NHTM được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay với khoản nợ chưa chuyển nợ quá hạn mà khách hàng được đánh giá không có khả năng trả đầy đủ nợ gốc và lãi do chịu ảnh hưởng bởi Covid-19 hoặc với khoản nợ quá hạn từ ngày 23/1 đến khi thông tư được ban hành. Tổng thời gian cơ cấu nợ sẽ không vượt quá thời gian cấp tín dụng ban đầu, tương đương 1 chu kỳ vay vốn. Để được giữ nguyên nhóm nợ, khoản nợ đó phải có thời hạn trả nợ nằm trong khoảng từ ngày 23/1 kéo dài tới 90 ngày sau khi Nhà nước công bố hết dịch.
Việc cơ cấu nợ mặc dù rất cần thiết song ít nhiều cũng gây ra rủi ro nợ quá hạn với các ngân hàng thương mại. Để ngăn chặn tình trạng này, các chuyên gia kinh tế khuyến nghị cơ quan quản lý Nhà nước cần có những tính toán thật cụ thể, thậm chí đề ra ngoại lệ cho một số trường hợp đặc thù.
Minh Phượng