Thêm cột mốc mới trong quan hệ hợp tác Việt Nam-Nhật Bản
Với chuyến thăm Nhật Bản từ ngày 22 đến 25/11/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ trở thành lãnh đạo nước ngoài đầu tiên được chính quyền mới của Thủ tướng Fumio Kishida mời thăm chính thức. Sự kiện đánh dấu bước ngoặt mới, cột mốc mới trong quan hệ hợp tác Việt Nam-Nhật Bản.
Đối tác chiến lược toàn diện, sâu rộng
Sau 48 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao (1973 – 2021), quan hệ Việt Nam – Nhật Bản đã vượt qua những trở ngại của quá khứ, phát triển vượt bậc với các hoạt động tiếp xúc cấp cao thường xuyên, các cơ chế đối thoại, hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương và các hoạt động giao lưu nhân dân hai nước. Việt Nam – Nhật Bản chính thức thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á vào tháng 3/2014; Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Nhật Bản vào tháng 9/2015; Nhà vua Nhật Bản thăm Việt Nam cấp nhà nước vào tháng 2/2017… là những dấu mốc son quan trọng trong quan hệ giữa hai nước.
Về hợp tác kinh tế, Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam và là nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam (tháng 10/2011). Những năm qua Nhật Bản đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam và ngược lại Việt Nam cũng đóng góp rất lớn cho nền kinh tế Nhật Bản. Tính đến thời điểm hiện tại, Nhật Bản là nước tài trợ ODA lớn nhất, nhà đầu tư lớn thứ hai (tính theo số lũy kế), đối tác du lịch thứ ba và là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam. 9 tháng đầu năm 2021, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Nhật Bản đạt 31 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Nhật đạt 14,7 tỷ USD và nhập khẩu đạt 16,3 tỷ USD.
Lũy kế đến ngày 20/9/2021, Nhật Bản có 4.748 dự án FDI còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký 63,85 tỷ USD (chiếm 15% tổng vốn đầu tư), đứng thứ 2 trong tổng số 140 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. 9 tháng đầu năm 2021, Nhật Bản có 131 dự án cấp mới, đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư hơn 3,26 tỷ USD.
Bên cạnh đó, Nhật Bản là nước viện trợ phát triển chính thức ODA lớn nhất cho Việt Nam, tổng giá trị vay cho đến tháng 12/2019 là 2.578 tỷ Yên (tương đương khoảng 23,76 tỷ USD). Hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu tiếp tục phát triển mạnh mẽ, thực chất với việc Nhật Bản liên tục cung cấp ODA những năm gần đây cho các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam.
Về hợp tác lao động, từ năm 1992 đến nay, Việt Nam đã cử nhiều tu nghiệp sinh sang Nhật Bản. Hiện Việt Nam đứng thứ nhất về số lượng thực tập sinh nước ngoài tại Nhật Bản với hơn 230.000 người. Hai bên đã ký Bản ghi nhớ về việc Nhật Bản tiếp nhận điều dưỡng viên, hộ lý của Việt Nam (trong khuôn khổ Hiệp định đối tác kinh tế song phương EPA tháng 10/2011), Việt Nam đã cử 470 y tá và điều dưỡng viên sang Nhật Bản; Bản ghi nhớ hợp tác về chế độ thực tập sinh kỹ năng (tháng 6/2017); Bản ghi nhớ hợp tác về chế độ lao động kỹ năng đặc định (tháng 5/2019); tiếp tục trao đổi về khả năng đàm phán Hiệp định Bảo hiểm xã hội.
Hợp tác nông nghiệp giữa hai nước cũng liên tục có bước đột phá, nhất là từ cột mốc năm 2014 khi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Nhật Bản. Đến tháng 9/2015, hai nước đã ký kết “Tầm nhìn trung và dài hạn trong hợp tác Nông nghiệp Việt Nam – Nhật Bản”; ký lại Tầm nhìn chung sửa đổi vào tháng 5/2018 và đang triển khai “Tầm nhìn Trung và Dài hạn hợp tác về nông nghiệp Việt Nam – Nhật Bản giai đoạn 2 giai đoạn 2020-2024”.
Riêng trong hợp tác giáo dục – đào tạo, Nhật Bản là một trong những nước viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho ngành Giáo dục đào tạo của Việt Nam. Hai bên đã ký kết nhiều văn kiện hợp tác trong lĩnh vực này. Số lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản hiện đạt hơn 65.000 người. Nhật Bản đang hợp tác để nâng cấp 4 trường đại học của Việt Nam đạt đại học chất lượng cao; đang hợp tác xây dựng Trường Đại học Việt-Nhật nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam trong lĩnh vực khoa học công nghệ, quản lý và dịch vụ; hỗ trợ Việt Nam dạy tiếng Nhật tại một số trường tiểu học, phổ thông cơ sở tại Hà Nội và Tp.HCM.
Từ đầu năm 2020 đến nay, dịch Covid-19 bùng phát đã tác động tiêu cực đến quan hệ đối tác chiến lược Việt – Nhật trên nhiều lĩnh vực; tuy nhiên hai nước vẫn duy trì trao đổi cấp cao và các cấp bằng nhiều hình thức linh hoạt. Chính phủ Nhật Bản đã viện trợ hơn 4 tỷ yên để cung cấp trang thiết bị, hỗ trợ kỹ thuật, cải thiện hệ thống y tế và viện trợ không hoàn lại hơn 4 triệu liều vaccine AstraZeneca cho Việt Nam. Đáp lại, Việt Nam cũng đã hỗ trợ tổng cộng 1.190.000 khẩu trang y tế và 20.000 khẩu trang vải cho Nhật Bản; một số địa phương của Việt Nam chủ động hỗ trợ Nhật Bản đối phó với dịch bệnh. Việt Nam cũng đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho gần 600 chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp Nhật Bản quay trở lại Việt Nam làm việc; đón hơn 5.100 công dân Việt Nam bị mắc kẹt tại Nhật Bản về Việt Nam.
Quyết tâm nâng tầm hợp tác
Mới đây tại cuộc gặp nhân Hội nghị COP26 tại Glasgow – Vương quốc Anh ngày 2/11/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Kishida Fumio đã cùng thảo luận về các vấn đề mà cả hai quốc gia cùng quan tâm. Lãnh đạo hai nước bày tỏ sự vui mừng trước những bước tiến mạnh mẽ, toàn diện của quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản; nhất trí sẽ tiếp tục phối hợp tổ chức các hoạt động thiết thực và có ý nghĩa chào mừng Kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2023). Để nâng tầm quan hệ hợp tác kinh tế song phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai bên mở cửa thị trường cho một số loại nông sản, hoa quả của nhau; khẳng định Việt Nam hoan nghênh và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Nhật Bản sản xuất kinh doanh, mở rộng đầu tư tại Việt Nam, duy trì chuỗi cung ứng, sản xuất tại Việt Nam.
Trên mặt trận phòng chống dịch Covid – 19, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến Chính phủ, nhân dân Nhật Bản đã kịp thời hỗ trợ hàng triệu liều vaccine cho Việt Nam thời gian qua; đồng thời đề nghị Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phòng chống dịch bệnh hiệu quả. Thủ tướng đánh giá cao Chính phủ Nhật Bản kiểm soát tốt dịch bệnh và chính sách xây dựng “vòng tuần hoàn tốt giữa tăng trưởng và phân phối” nhằm duy trì phát triển của Nhật Bản trong bối cảnh dịch bệnh.
Về phía Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cũng bày tỏ tình cảm tốt đẹp dành cho đất nước và con người Việt Nam; đồng thời đề nghị hai nước tiếp tục duy trì các hoạt động đầu tư, kinh doanh, sản xuất khi kiểm soát được dịch bệnh, góp phần đưa quan hệ Việt Nam-Nhật Bản phát triển lên tầm cao mới, vì lợi ích của nhân dân hai nước, đóng góp vào khối thịnh vượng chung của khu vực và trên toàn thế giới.
Đáp lại đề nghị của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc hỗ trợ cho người Việt Nam sinh sống, lao động và học tập tại Nhật Bản, Thủ tướng Kishida Fumio khẳng định luôn quan tâm đến cộng đồng 400.000 người Việt Nam tại Nhật Bản và sẽ tiếp tục tạo thuận lợi cho sinh viên, thực tập sinh Việt Nam quay trở lại Nhật Bản, nhất là tăng thêm nhiều lao động tay nghề cao, ủng hộ đề xuất của Việt Nam về việc mở cửa thị trường cho một số loại nông sản. Thủ tướng Nhật Bản cảm ơn và mong muốn Việt Nam tiếp tục quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp Nhật Bản nối lại hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.
Chuyến thăm chính thức Nhật Bản đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước đang ở giai đoạn tốt nhất trong lịch sử kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, có sự tin cậy cao. Lãnh đạo cấp cao hai nước duy trì thường xuyên các chuyến thăm và tiếp xúc tại các diễn đàn quốc tế và khu vực. Chuyến thăm là bước triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển đã được khẳng định tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Việt Nam luôn là bạn, đối tác thân thiết, tin cậy của Nhật Bản và ủng hộ Nhật Bản phát huy vai trò xứng đáng ở khu vực và trên thế giới, cùng Nhật Bản đóng góp cho việc duy trì hòa bình, ổn đinh, hợp tác và phát triển ở khu vực.
Như Anh