Tháo nút thắt xuất khẩu tôm Việt Nam sang châu âu
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), kể từ tháng 4 đến tháng 10 năm nay, xuất khẩu tôm Việt Nam chưa có dấu hiệu phục hồi so với cùng kỳ năm 2017. Tháng 10/2018, xuất khẩu tôm Việt Nam giảm 17,3% so với cùng kỳ năm ngoái đạt hơn 348 triệu USD. Lũy kế 10 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm của cả nước đạt 2,97 tỷ USD, giảm 5,8% so với cùng kỳ năm 2017.
Trong tháng 10 năm nay, xuất khẩu tôm Việt Nam sang các thị trường lớn đều giảm mạnh như EU (-30,6%), Trung Quốc (-38%), Hàn Quốc (-18,4%), Nhật Bản (-5%)
Xuất khẩu tôm Việt Nam có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm ngoái là do giá tôm giảm, nhu cầu nhập khẩu thấp từ các thị trường chính. Giá tôm trong nước những tháng đầu năm 2018 bị tác động bởi các yếu tố thị trường thế giới do thời tiết lạnh nhiều, các nước như Mỹ, Canada có bão tuyết nên lượng tôm tiêu thụ giảm đáng kể, hàng tồn kho lớn, kéo theo lượng hàng tồn kho ở Nhật Bản, Hàn Quốc, EU cao…Bên cạnh đó, do giá tôm giảm nên khách hàng thường có tâm lý đợi giá tôm “chạm đáy” mới mua vào.
Tôm chân trắng vẫn chiếm vị trí chủ đạo trong cơ cấu các sản phẩm tôm xuất khẩu của Việt Nam, chiếm 68,7%, tôm sú chiếm 22,9% và tôm biển 8,3%. Trong 10 tháng đầu năm 2018, giá trị xuất khẩu tôm chân trắng giảm 1%, trong khi xuất khẩu tôm sú giảm 7% và tôm biển giảm 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong cơ cấu các sản phẩm tôm chân trắng và tôm sú xuất khẩu, duy nhất xuất khẩu tôm chân trắng chế biến (HS 16) tăng 7%, xuất khẩu các sản phẩm còn lại đều giảm.
Trong tháng 10 năm nay, xuất khẩu tôm Việt Nam sang các thị trường lớn đều giảm mạnh như EU (-30,6%), Trung Quốc (-38%), Hàn Quốc (-18,4%), Nhật Bản (-5%). Tuy nhiên, xuất khẩu sang Mỹ tăng nhẹ 0,8%. Đáng chú ý, xuất khẩu tôm sang ASEAN tăng tốt trên 55% so với cùng kỳ năm ngoái.
EU là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, chiếm 24,4% tổng xuất khẩu tôm của Việt Nam đi các thị trường. Hai quý đầu năm nay, xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU tăng trưởng mạnh trong bối cảnh xuất khẩu tôm sang các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản sụt giảm. Tuy nhiên, bước sang quý III năm nay, xuất khẩu tôm sang thị trường này bắt đầu sụt giảm. Tháng 10 năm nay, xuất khẩu tôm sang EU giảm mạnh 30,6% với giá trị xuất khẩu sang 3 thị trường lớn nhất trong khối đều giảm. Tuy nhiên, nhờ tăng trưởng tốt trong 2 quý đầu năm nên xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường EU tính tới tháng 10 năm nay vẫn tăng nhẹ 4,4% đạt 724,7 triệu USD.
Mỹ là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 2 của Việt Nam, chiếm 18,2% tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam đi các thị trường. Sau khi xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ giảm liên tục từ tháng 4 đến tháng 7 năm nay, xuất khẩu sang thị trường này đã phục hồi tăng trưởng dương trong 3 tháng 8, 9 và 10 năm nay. Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ trong 10 tháng đầu năm nay đạt 540,4 triệu USD, giảm 2,7% so với cùng kỳ năm 2017.
Kết quả cuối cùng thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam trong giai đoạn xem xét hành chính lần thứ 12 – POR12 (từ 1/2/2016- 31/1/2017) khả quan hơn nhiều so với những lần xem xét trước đó đã giúp các doanh nghiệp tôm Việt Nam yên tâm đẩy mạnh bán hàng vào thị trường Mỹ trong thời gian tới, nhất là giai đoạn tập trung mua hàng từ các nhà nhập khẩu Mỹ phục vụ cho các dịp lễ Tết cuối năm.
Bên cạnh đó, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung cũng là một cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này do Mỹ áp thuế cao với các mặt hàng của Trung Quốc. Giá tôm đã bắt đầu phục hồi, nhu cầu có xu hướng gia tăng vào cuối năm, hơn nữa xuất khẩu sang thị trường Mỹ có tín hiệu tích cực nhờ thuế CBPG tôm được cải thiện.
VASEP dự báo xuất khẩu tôm trong quý IV năm nay sẽ tăng khoảng 2% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt khoảng 1,14 tỷ USD. Như vậy xuất khẩu tôm đến cuối năm 2018 sẽ cán đích gần 3,8 tỷ USD, giảm nhẹ 2% so với năm 2017.
Kim Phương