Thâm hụt ngày càng tăng của Mỹ đặt ra câu hỏi về nguồn vốn
Thâm hụt của Mỹ đã và đang gia tăng, và nó còn tăng lên khi các nhà lập pháp thúc đẩy gói kích thích thứ hai để đẩy lùi thảm họa đại dịch.

Các chi phí bổ sung để tài trợ cho gói sẽ phải thông qua việc phát hành nhiều trái phiếu kho bạc Mỹ hơn – nhưng điều đó đặt ra câu hỏi ai sẽ mua chúng. Các nhà phân tích chỉ ra rằng, nó diễn ra trong bối cảnh địa chính trị có những thay đổi mới khi Trung Quốc – trước đây là nước mua nhiều nhất các trái phiếu kho bạc của Mỹ – cắt giảm lượng nắm giữ của mình.
Kristjan Mee, chiến lược gia nghiên cứu và phân tích tại công ty quản lý tài sản Schroders viết: “Trong khi nền kinh tế Mỹ đang dần hồi phục, chi phí xử lý đại dịch vẫn đang chồng chất lên nhau.
Ông chỉ ra rằng thâm hụt ngân sách trong 12 tháng của Mỹ là gần 3 nghìn tỷ USD vào cuối tháng 8, theo Đạo luật CARES – gói cứu trợ đầu tiên nhằm giải quyết đại dịch đã làm tăng thêm hơn 2 nghìn tỷ USD vào khoản thâm hụt vốn đã rất lớn.
Nếu một gói kích thích trị giá hàng nghìn tỷ USD khác được Quốc hội thông qua, cùng với nguồn thu thuế thấp hơn, thì mức thâm hụt sẽ lên tới gần 20% GDP của cả nước.
Ông Mee cho biết trong một lưu ý gần đây: “Trong tương lai, Kho bạc dự kiến việc phát hành sẽ vẫn ở mức cao với thời gian phụ thuộc vào việc thông qua chương trình kích thích tiếp theo. Câu hỏi quan trọng sau đó là: ai sẽ tài trợ cho đợt phát hành lớn liên quan đến khoản thâm hụt ngân sách cao”.
Theo Reuters, nợ của Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, đã tăng lên mức chưa từng thấy kể từ khi Thế chiến thứ hai kết thúc.
Trung Quốc cắt giảm nắm giữ trái phiếu của Mỹ
Trung Quốc trước đây là nước nắm giữ nhiều nhất trái phiếu kho bạc Mỹ, nhưng nước này đang dần loại bỏ những khoản nắm giữ đó trong bối cảnh căng thẳng ngày càng gia tăng với Mỹ.
Theo dữ liệu của chính phủ Mỹ, lần cuối cùng Trung Quốc nắm giữ 1,06 nghìn tỷ USD trái phiếu Mỹ vào tháng 8 năm nay, giảm so với 1,24 nghìn tỷ USD mà nước này từng nắm giữ vào cuối năm 2015.
Mee nói: “Trong khi các nhà đầu tư tư nhân nước ngoài tiếp tục mua trái phiếu, điều này vẫn chưa đủ để bù đắp nhu cầu từ các nguồn chính thức”.
Mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã trở nên tồi tệ trên mặt trận thương mại, và năm nay, việc đổ lỗi qua lại về COVID-19 và cuộc chiến công nghệ ngày càng gia tăng.
Do đó, các nhà theo dõi ngành cho biết, Trung Quốc sẽ muốn giảm sự phụ thuộc vào đồng bạc xanh, bằng cách đa dạng hóa dự trữ ngoại hối của mình sang các loại tiền tệ khác.
Alan Ruskin, chiến lược gia tại Deutsche Bank cho biết: “Một yếu tố bổ sung mới quan trọng là yếu tố chính trị, theo đó có khả năng là Trung Quốc không muốn tăng sự phụ thuộc lẫn nhau với Mỹ liên quan đến dự trữ đồng USD nhiều hơn”.
Ông nói thêm: “Trung Quốc có thể sẽ tái chế hầu hết mọi khoản tích lũy dự trữ mới thành các tài sản không phải USD, bởi vì đây là một hình thức đa dạng hóa dự trữ tương đối thụ động, sẽ ít gây chú ý hơn nhiều so với việc chủ động bán tài sản USD hiện có”.
Trung Quốc đã tăng hơn ba lần mua trái phiếu chính phủ Nhật Bản từ tháng 4 đến tháng 7 năm nay, tăng lên mức cao nhất trong hơn ba năm.
Ruskin cũng chỉ ra rằng tình hình bây giờ khác với vài năm trước. Năm 2014, đồng nhân dân tệ tăng giá đã ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của Trung Quốc, vì đồng tiền mạnh hơn khiến hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu đắt hơn và nước này kiếm được ít hơn do nhu cầu giảm.
Kết quả là, thu nhập thấp hơn đồng nghĩa với việc hạn chế tăng trưởng dự trữ và sau đó làm giảm việc Trung Quốc mua trái phiếu kho bạc Mỹ, theo Ruskin.
Chuyên gia Mee cho rằng các nguồn mua nhiều khả năng nhất có lẽ là một số quốc gia ở châu Á có dự trữ ngoại hối“ đáng kể” và thường can thiệp vào thị trường.
Ông cho biết dự trữ của các quốc gia và vùng lãnh thổ như Đài Loan và Singapore, đã tăng “đáng kể” kể từ tháng 3.
Ngoài ra, Mỹ có “đặc quyền tối thượng” trong việc phát hành đồng tiền dự trữ của thế giới.
Ông nói: “Có lẽ trớ trêu thay, đồng đô la suy yếu hơn nữa có thể thúc đẩy các ngân hàng trung ương (của các thị trường mới nổi) tăng tỷ lệ nắm giữ trái phiếu kho bạc Mỹ họ, vì (các) ngân hàng trung ương (của các thị trường mới nổi) thường can thiệp bằng cách mua USD để ngăn đồng tiền của họ tăng giá quá nhiều”.
Rất nhiều quốc gia thị trường mới nổi là nền kinh tế xuất khẩu. Xuất khẩu của họ sẽ không còn hấp dẫn nếu đồng tiền của họ trở nên quá mạnh. Bằng cách tăng cường mua USD, họ thúc đẩy nhu cầu của nó, củng cố đồng bạc xanh và tương đối làm suy yếu các đồng tiền mới nổi.
Ruskin của Deutsche Bank cho biết Fed cũng có thể phải tham gia mua trái phiếu kho bạc Mỹ với quy mô lớn hơn nhiều khi Trung Quốc ngừng mua.
Kim Sơn