Tham gia các Hiệp định thương mại tự do là chủ trương đúng đắn của Đảng về hội nhập kinh tế quốc tế
Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại buổi làm việc giữa Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) với Thường trực Chính phủ xoay quanh việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên.
Theo người đứng đầu Bộ Công Thương, đến nay các FTA ngày càng phát huy hiệu quả thiết thực, giúp mở rộng cánh cửa thị trường cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; là cơ hội để nước ta kết nối và tham gia sâu hơn chuỗi giá trị cũng như mạng lưới sản xuất toàn cầu.
Đặc biệt thông qua việc tham gia các FTA, thị trường xuất nhập khẩu của Việt Nam ngày càng được mở rộng và đa dạng hóa hơn bao giờ hết; thị trường dịch vụ tài chính phát triển hơn với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư nước ngoài; hệ thống thể chế, chính sách cũng từng bước được hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập và thực thi cam kết trong các FTA. Cùng với tham gia WTO (năm 2007), việc thực thi các FTA đã góp phần thúc đẩy GDP của Việt Nam tăng hơn 300%, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 350%; từ đó tiếp thêm động lực và mang lại những tác động tích cực cho kinh tế Việt Nam trên bước đường hội nhập và đi lên CNH – HĐH
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, sau khi gia nhập WTO tới nay, Việt Nam đã tham gia đàm phán và ký kết 16 FTA, trong đó có 13 FTA đã đi vào thực thi, 3 FTA đang trong giai đoạn đàm phán. Nổi bật trong số 13 FTA đang thực thi chính là Hiệp định Đối tác toàn diện tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA).
Cụ thể với Hiệp định CPTPP, năm 2019 kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và 10 nước CPTPP đạt 77,4 tỷ USD, tăng 3,9% so với năm 2018, trong đó: kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang 10 nước CPTPP đạt 39,5 tỷ USD, tăng 7,2%; kim ngạch nhập khẩu đạt 37,9 tỷ USD, tăng 0,7%. Như vậy năm 2019, Việt Nam đã xuất siêu 1,6 tỷ USD sang các nước CPTPP; trong khi năm ngoái nước ta nhập siêu 0,9 tỷ USD từ các nước CPTPP.
Đối với Hiệp định EVFTA, chỉ trong vòng một tháng sau khi Hiệp định có hiệu (từ ngày 1 – 30/8/2020), các tổ chức được Bộ Công Thương ủy quyền đã cấp trên 7.200 bộ C/O mẫu EUR.1 đi 28 nước EU với kim ngạch đạt 277 triệu USD, bao gồm các mặt hàng: giày dép, thủy sản, nhựa và các sản phẩm nhựa, cà phê, hàng dệt may, túi xách, va li, rau quả, sản phẩm mây, tre, đan… Hầu hết các mặt hàng này được xuất khẩu sang các quốc gia nằm trong khối EU có cảng biển và trung tâm phân phối, trung chuyển như Bỉ, Đức, Hà Lan, Pháp, Anh quốc. Đến thời điểm hiện tại, nhiều lô hàng trong số này đã “cập bến” thị trường EU, được thông quan và hưởng ưu đãi thuế quan.
Về hoạt động xuất nhập khẩu chung, năm 2019 Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng xuất nhập khẩu ở mức cao với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu vượt mốc 500 tỷ USD, trong đó: kim ngạch xuất khẩu đạt 263,45 tỷ USD, tăng 8,1% so với năm 2018; kim ngạch nhập khẩu đạt 253,5 tỷ USD, tăng 7%.
Riêng trong 8 tháng đầu năm 2020, dù chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid – 19 song kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước vẫn đạt 337,23 tỷ USD, tương đương với cùng kỳ năm ngoái, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 175,36 tỷ USD, tăng 2,3%.
Tuy nhiên bên cạnh những thành quả đạt được, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng chỉ ra rằng việc tham gia các FTA, đặc biệt là các Hiệp định FTA thế hệ mới có tiêu chuẩn cao và toàn diện như CPTPP và EVFTA không chỉ mang lại cơ hội mà đi kèm theo đó là không ít rủi ro và thách thức về pháp luật, thể chế; thách thức trong việc thực thi các cam kết trong những lĩnh vực mới chưa có trong các FTA trước đây; thách thức về bảo đảm ổn định chính trị – xã hội, tạo môi trường ổn định cho phát triển kinh tế; nhận thức của một bộ phận người dân và doanh nghiệp về những cơ hội do FTA mang lại còn hạn chế gây khó khăn cho việc tận dụng và khai thác hiệu quả các cơ hội này….
Trên cơ sở phân tích, đánh giá kỹ lưỡng những thành quả những như những khó khăn, bất cập trong quá trình thực thi các FTA, báo cáo của Chính phủ đã đưa ra một số khuyến nghị về chính sách đối với Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương, chính quyền địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội, ngành nghề, người lao động và người dân nhằm nâng cao hiệu quả công tác thực thi các FTA đã ký kết trong giai đoạn tiếp theo, từ đó nâng cao khả năng thích ứng của doanh nghiệp, ngành hàng và sản phẩm trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức.
Kết luận tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, các Bộ, ban ngành, địa phương có liên quan đã chuẩn bị báo cáo kịp thời, đầy đủ về tình hình thực thi các FTA trong thời gian qua.
Theo Phó Chủ tịch Tòng Thị Phóng, các FTA tác động tích cực đến chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng và góp phần khẳng định vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả thực thi các FTA, điều cần thiết lúc này là Chính phủ và các Bộ, ban ngành, địa phương cần tăng cường tuyên truyền về nội dung các FTA với nhiều hình thức cụ thể, phong phú, thiết thực gắn với đẩy nhanh xuất khẩu, tận dụng hiệu quả ưu đãi từ các FTA mà Việt Nam tham gia. Trong đó đặc biệt lưu ý các rào cản phi thuế quan, hỗ trợ phát triển các ngành hàng trong nước, quan tâm các ngành có chất lượng, sản phẩm trong nước có ưu thế; đồng thời quan tâm việc đánh giá, dự báo tác động từ các FTA trong tình hình mới hiện nay để đề ra hướng đi phù hợp, hiệu quả.
Linh Lan