Thái Lan lo ngại trước thỏa thuận thương mại – đầu tư giữa Việt Nam và EU

Mới đây Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức ký Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA). Thỏa thuận thương mại và đầu tư của Việt Nam với EU khiến Thái Lan lo ngại rằng hoạt động xuất khẩu ô tô, máy tính và mạch điện của  Xứ sở chùa Vàng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức hơn.

Không như Việt Nam, hiện Thái Lan chưa có bất cứ thỏa thuận thương mại tự do nào với EU. Có thể phải mất một thời gian nữa thì cuộc đàm phán thương mại tự do vốn bị trì hoãn trước đó giữa EU và Thái Lan mới có thể được nối lại. Về vấn đề này, Bloomberg đánh giá: “Thái Lan đã tụt lại phía sau Việt Nam – quốc gia đã ký hiệp ước thương mại với EU vào tháng 6”.

Sau nhiều năm đàm phán, ngày 30/6/2019 tại Hà Nội, Việt Nam và EU đã chính thức ký Hiệp định EVFTA và EVIPA. Theo ghi nhận của EU, EVFTA là thỏa thuận thương mại tự do “tham vọng nhất từ trước tới nay” mà Liên minh này từng ký với một quốc gia đang phát triển. Hiệp định cam kết sẽ xóa gần 99% thuế quan giữa EU và Việt Nam.

Trước thỏa thuận thương mại và đầu tư của Việt Nam với EU, Văn phòng Chiến lược và Chính sách Thương mại (TPSO) – Bộ Thương mại Thái Lan bày tỏ lo ngại rằng xuất khẩu ô tô, máy tính và mạch điện của quốc gia này có thể sẽ gặp rủi ro.

Khẳng định Việt Nam có thể đạt được nhiều lợi thế và lợi ích hơn so với Thái Lan nhờ cả 2 Hiệp định EVFTA và EVIPA, bà Pimchanok Vonkorpon – Tổng Giám đốc TPSO cũng đồng thời nhắc nhở các nhà cung cấp ô tô ở Thái Lan nên chuẩn bị cho khả năng rằng nhiều nhà sản xuất ô tô sẽ di dời các cơ sở sản xuất đến Việt Nam. “Ngành công nghiệp ô tô Thái Lan cần phải cải thiện hiệu quả và tăng tốc độ sản xuất xe thế hệ mới. Không chỉ ô tô mà các lĩnh vực sản xuất máy tính, các linh kiện liên quan và mạch điện cũng phải đối mặt với việc di chuyển chuỗi cung ứng đến Việt Nam vì Việt Nam hiện đã đủ sức cạnh tranh để phát triển ngành công nghiệp điện tử của riêng mình.Ngoài ra với thỏa thuận thương mại và đầu tư của Việt Nam với EU, các lĩnh vực sản xuất khác ở Thái Lan cũng có thể bị tác động bao gồm hàng dệt may, đồ trang sức – phụ kiện, gạo và hải sản chế biến “– bà Pimchanok Vonkorpon cho hay.

Trong một cuộc gặp mặt gần đây với báo chí tại Bangkok, ông Philipp Dupuis – Người đứng đầu Bộ phận Kinh tế và Thương mại của phái đoàn EU tại Thái Lan cho biết Thái Lan đang đi đúng hướng; điều cần thiết lúc này là phía EU phải “bật đèn xanh” cho Thái Lan và sau đó đàm phán sẽ được nối lại để tiến tới một thỏa thuận thương mại có lợi cho cả đôi bên.

Thái Hòa