Thách thức nghiêm trọng về nhân lực đối với các siêu dự án FDI
Các ông lớn công nghệ đã và đang có kế hoạch đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới. Tuy nhiên, hiệu quả của những dự án đầu tư này có thể gặp cản trở bởi sự thiếu hụt về lao động chất lượng cao, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Làn sóng đầu tư đang làm tăng sức ép lên thị trường lao động, đặc biệt là lao động trong lĩnh vực công nghệ, lao động chất lượng cao.
Kể từ năm 2007, Việt Nam đón nhận làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mạnh mẽ khi các nhà máy sản xuất giày dép và hàng dệt may bắt đầu rời bỏ thị trường Trung Quốc, do chi phí nhân công tại “công xưởng của thế giới” bắt đầu tăng cao.
Nền kinh tế năng động bậc nhất khu vực và thế giới tất nhiên không chịu an phận, mà luôn nỗ lực vươn mình để đón những luồng FDI chất lượng cao hơn, với hy vọng trở thành một trung tâm sản xuất công nghệ cao tầm cỡ.
Đại dịch Covid-19 kéo theo sự gián đoạn của chuỗi cung ứng, cộng với sức ép từ thương chiến Mỹ Trung đã mở ra một cơ hội lớn cho Việt Nam khi được nhiều tập đoàn hàng đầu trên thế giới lựa chọn là điểm đến đầu tư nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Theo Nikkei Asia Review, các khoản đầu tư từ tập đoàn công nghệ Hàn Quốc LG và nhà sản xuất băng keo công nghệ cao Đức Tesa hứa hẹn sẽ là động lực lớn giúp Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng hàng đầu thế giới trong năm 2020.
Cùng với đó, các ông lớn như Samsung, Intel cũng đã và đang có kế hoạch tiếp tục mở rộng đầu tư tại thị trường 100 triệu dân này, trong đó Samsung là doanh nghiệp FDI hàng đầu Việt Nam với doanh số tương đương 26% GDP, đóng góp khoảng ¼ kim ngạch xuất khẩu.
Thiếu nhân lực để xây tổ đón đại bàng
Trả lời phỏng vấn của Nikkei, ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm Thông tin thương mại, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, Việt Nam cần đẩy mạnh triển khai kế hoạch chuẩn bị phù hợp để đón tiếp những “chú đại bàng” trong ngành sản xuất.
“Xây tổ để đón đại bàng” cũng trở thành câu cửa miệng quen thuộc của Việt Nam khi nhắc đến hoạt động thu hút vốn FDI, thể hiện quyết tâm của chính phủ cũng như doanh nghiệp và người dân trong việc chớp lấy cơ hội vươn mình.
Tuy nhiên, theo Nikkei, làn sóng đầu tư đang làm tăng sức ép lên thị trường lao động, đặc biệt là lao động trong lĩnh vực công nghệ, lao động chất lượng cao.
“Việt Nam đang hy vọng thúc đẩy làn sóng đầu tư để đạt được mức tăng trưởng cao hơn nhưng dường như đang có nguy cơ trở nên quá tải”, bài báo viết.
Theo báo cáo của Navigos, 71% doanh nghiệp công nghệ cho biết thách thức lớn nhất để phát triển tại thị trường Việt Nam là tình trạng thiếu lao động trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhân sự để đảm nhiệm vị trí quản lý trung và cao cấp.
Ông Nguyễn Ngọc Thịnh, Giám đốc điều hành công ty tư vấn phần mềm Zien Solutions nhận định, nguồn lao động có tay nghề cao ở Việt Nam không đáp ứng đủ nhu cầu phát triển kinh tế.
Một phần nguyên nhân được chỉ ra là các cơ sở giáo dục, đào tạo không đáp ứng đủ nhu cầu. Cụ thể, cũng theo báo cáo của Navigos, nhiều doanh nghiệp nhận xét hệ thống giáo dục và đào tạo Việt Nam chưa chú trọng cũng như đặt sự quan tâm đúng mức cho các bộ môn khoa học, kỹ thuật (STEM).
Trước đó, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng cho biết, Việt Nam đang thiếu ít nhất khoảng 400.000 lao động trong ngành công nghệ thông tin để phục vụ mục tiêu phát triển chuyển đổi số.
Sự thiếu hụt này dẫn đến mức độ chủ động tham gia ứng dụng công nghệ của Việt Nam vẫn còn hạn chế so với khu vực và thế giới.
Mặc dù vậy, nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam được đánh giá là có nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai. TS. Nguyễn Đức Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và phát triển công nghệ, Bộ Khoa học và công nghệ đánh giá, người lao động Việt Nam có ưu điểm là tính chăm chỉ, sáng tạo, khả năng và tinh thần học hỏi cao.
Ông Hoàng cho biết, để phát huy những ưu điểm này, trong thời gian tới, Bộ Khoa học và công nghệ sẽ phối hợp với các bộ, ban, ngành, các doanh nghiệp, các trường đại học và tổ chức liên quan để lên kế hoạch đẩy mạnh đào tạo tay nghề về công nghệ, đặc biệt trong các lĩnh vực như công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo (AI) đảm bảo nhân lực phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, chuyển đổi số quốc gia.
Duy Kiên