Tạo nền tảng vững chắc cho phát triển các hoạt động xúc tiến thương mại theo phương thức mới

“Thông qua các hoạt động kết nối giao thương được triển khai có trọng tâm trọng điểm, phù hợp với nhu cầu và năng lực của doanh nghiệp, các cơ quan xúc tiến thương mại đã đạt được những thành công nhất định trong việc giúp các doanh nghiệp tìm được đối tác phù hợp, phát triển thị trường, nâng cao kim ngạch xuất khẩu…, tạo nền tảng cho phát triển các hoạt động xúc tiến thương mại theo phương thức mới trong thời gian tới …” là chia sẻ của ông Lê Văn Sử – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau tại Hội nghị “Kết nối giao thương tại Việt Nam giữa các nhà cung cấp nông, thủy sản với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại các tỉnh thành phía Nam năm 2020” vừa diễn ra tại Cà Mau

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Đỗ Thắng Hải – Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ trong việc triển khai Kết luận số 77-KL/TW ngày 5/6/2020 của Bộ Chính trị về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước; đồng thời thực hiện Kế hoạch hành động của ngành Công Thương khôi phục và thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại trong giai đoạn mới, từ đầu năm đến nay Bộ Công Thương đã chỉ đạo Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với các tổ chức xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế, cùng với hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam trên toàn thế giới tổ chức nhiều hội nghị giao thương trực tuyến.

Thông qua các hoạt động kết nối giao thương này đã góp phần đồng hành cùng doanh nghiệp Việt Nam đi qua khó khăn do tác động của đại dịch Covid – 19, đẩy mạnh tăng trưởng xuất khẩu, thúc đẩy tái cơ cấu trong các lĩnh vực, ngành hàng xuất khẩu theo hướng bền vững. Thống kê cho thấy trong 11 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu cả nước tăng trưởng 5% so với cùng kỳ năm 2019 và đạt mức xuất siêu kỷ lục hơn 20 tỷ USD – một con số hết sức ấn tượng trong bối cảnh dịch bệnh Covid – 19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp trên thế giới. “Từ nền tảng những kết quả đạt được, tôi hy vọng chuỗi sự kiện xúc tiến thương mại các tỉnh thành phía Nam lần này sẽ trở thành một trong những phương thức mới, cầu nối hữu hiệu cho mối quan hệ giữa các địa phương, doanh nghiệp trong gặp gỡ, kết nối, giới thiệu, quảng bá về tiềm năng phát triển thương mại, nhất là các sản phẩm hàng hóa – dịch vụ thế mạnh của từng địa phương. Qua đó sẽ góp phần tăng cường sự liên kết, trao đổi trong hợp tác giữa các địa phương, giữa các hiệp hội và doanh nghiệp sản xuất với hệ thống phân phối và các doanh nghiệp thương mại trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng” – Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho biết thời gian qua hoạt động kết nối giao thương được tổ chức bằng nhiều hình thức đa dạng, có trọng tâm trọng điểm và giúp kết nối hiệu quả các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, góp phần quảng bá các tiềm năng lợi thế cũng như các sản phẩm chủ lực của địa phương. Đây cũng chính là nền tảng vững chắc để phát triển các hoạt động xúc tiến thương mại theo phương thức mới trong thời gian tới.

Theo ghi nhận của đại diện các Sở Công Thương vùng ĐBSCL, bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng cùng với việc tham gia hàng loạt FTA thế hệ mới sẽ góp phần mang lại những lợi ích thiết thực cho xuất khẩu hàng hóa toàn vùng, nhất là mặt hàng thế mạnh nông thủy sản. Đơn cử hàng nông sản sẽ được hưởng lợi về thuế quan; theo cam kết của Hiệp định EVFTA, hàng thủy sản xuất khẩu vào EU sẽ được giảm thuế về 0%… Cùng với mảng xuất khẩu, tiềm năng thị trường nội địa cũng được đánh giá cao với gần 100 triệu dân, mức tiêu thụ hàng nông thủy sản của người dân có sự gia tăng đáng kể, mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp kết nối và tiêu thụ hàng hóa.

Bên cạnh vấn đề kết nối và xúc tiến thương mại, bà Nguyễn Duy Linh Thảo – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch tỉnh Kiên Giang, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Trung tâm Xúc tiến các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL (CLB Mekong PC) cho biết thời gian tới hoạt động xuất khẩu tại vùng ĐBSCL sẽ xoay trục chiến lược: thủy sản – trái cây – lúa gạo và phát triển các ngành hàng theo chương trình OCOP, du lịch, nông nghiệp, sinh thái đặc thù theo định hướng phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL; trong đó đặc biệt ưu tiên phát triển chế biến và thương mại trong chuỗi giá trị nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất. “Những nỗ lực này nhằm đáp ứng hiệu quả yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm” – bà Thảo khẳng định

Bảo Ngọc