Tăng trưởng kinh tế năm 2019 và những vấn đề cần lưu ý

Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế – xã hội năm 2019 và dự kiến kế hoạch phát triển năm 2020 vừa được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tiến hành thẩm tra. Báo cáo này ghi nhận trong năm 2019, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam không chỉ đạt tốc độ cao mà chất lượng tăng trưởng tiếp tục được cải thiện; quy mô kinh tế mở rộng; năng suất lao động đạt khá; mô hình tăng trưởng chuyển dịch theo hướng tích cực…

Tín hiệu tích cực

Báo cáo tại phiên họp toàn thể của Uỷ ban Kinh tế Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết 2019 là năm thứ 2 liên tiếp ước đạt và vượt toàn bộ 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao, trong đó 5 chỉ tiêu vượt và 7 chỉ tiêu đạt mục tiêu kế hoạch đề ra. Năm 2019, quy mô nền kinh tế Việt Nam mở rộng, đạt khoảng 266,5 tỷ USD, bình quân đầu người đạt 2.786 USD (năm 2018 là 2.590 USD). Chất lượng tăng trưởng duy trì đà cải thiện. Tốc độ tăng năng suất lao động đạt khá (gần 5,9%), giúp duy trì mức tăng năng suất lao động toàn xã hội bình quân giai đoạn 2016-2019 đạt 5,8%/năm, vượt mục tiêu kế hoạch 5 năm (5,5%/năm).

Tăng trưởng giảm dần sự phụ thuộc vào khai thác khoáng sản và tăng trưởng tín dụng, từng bước chuyển sang dựa vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đạt khá (42,7%), duy trì ở mức trên 40%. Biểu hiện cụ thể của việc giảm dần phụ thuộc vào khai thác khoáng sản và tăng trưởng tín dụng là tỷ trọng nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP theo giá cơ bản giai đoạn 2016-2019 tăng qua từng năm (năm 2016 là 14,3%; năm 2017 là 15,3%; năm 2018 là 16%), trong khi đó, tỷ trọng của nhóm ngành khai khoáng giảm dần (năm 2016 là 8,1%; năm 2017 là 7,5%; năm 2018 là 7,4%).

Tăng trưởng tín dụng được kiểm soát phù hợp với chỉ tiêu định hướng, đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng, góp phần cải thiện tăng trưởng GDP. Mức tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng GDP năm 2016 lần lượt là 18,25% và 6,21%; năm 2017, là 18,28% và 6,81%; năm 2018 là 13,89% và 7,08%; năm 2019 dự kiến khoảng 14% và 6,8%.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra dự báo năm 2019, tốc độ tăng trưởng GDP cả nước ước đạt 6,8%, mặc dù thấp hơn mức tăng trưởng 7,08% của năm 2018 nhưng hoàn thành mục tiêu ở mức cao theo Nghị quyết của Quốc hội (Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng 6,6-6,8%), đưa Việt Nam thuộc nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao của khu vực và trên thế giới.

Tuy nhiên với những diễn biến rất tích cực từ tình hình sản xuất, kinh doanh, đầu tư, xuất khẩu trong 9 tháng đầu năm và xu hướng tích cực này vẫn tiếp tục trong 3 tháng cuối năm, ông Vũ Hồng Thanh – Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định nhiều khả năng GDP năm nay không phải tăng 6,8% như dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư mà có thể tăng tới 7%, thậm chí tăng trên 7%; lạm phát được kiểm soát dưới 3%.

Vẫn còn đó không ít thách thức 

Dù đánh giá tình hình kinh tế – xã hội năm 2019 rất khả quan song các thành viên Ủy ban Kinh tế cũng thẳng thắn nhìn nhận bên cạnh những mặt thuận lợi, kinh tế Việt Nam vẫn đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức như: kinh tế vĩ mô ổn định nhưng một số yếu tố chưa thực sự vững chắc; đầu tư tư nhân tiếp tục cải thiện nhưng đầu tư công gặp khó khăn; tiến độ thực hiện, giải ngân đầu tư công chậm và chưa đồng đều ở các bộ ngành, địa phương; trình độ khoa học công nghệ, năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; khả năng chống chịu, thích ứng với tác động bên ngoài còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội …

Theo nhận định của Ủy ban Kinh tế, những tồn tại, hạn chế kể trên cũng phần nào lý giải vì sao trong những năm qua, dù hiệu quả đầu tư liên tục được cải thiện (chỉ số ICOR giảm dần qua từng năm), năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào GDP mỗi năm một tăng, năng suất lao động được cải thiện, GDP năm nào cũng đứng vào danh sách các nước tăng trưởng cao nhất thế giới…song nền kinh tế Việt Nam vẫn đứng trước nguy cơ tụt hậu.

Để khắc phục những bất cập trên và đạt được mục tiêu duy trì đà tăng trưởng, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ không nên chủ quan, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động… Những yếu tố này tác động không nhỏ tới tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài… của Việt Nam. Ngoài ra các thành viên Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ cần bổ sung, làm rõ trong báo cáo một số vấn đề như: động lực tăng trưởng; vì sao vốn FDI đăng ký thấp hơn năm ngoái nhưng vốn nước ngoài tham gia mua cổ phần, góp vốn tăng rất mạnh, trên 80%; nguyên nhân khiến lạm phát thấp…

Minh Trang