Tăng quyền tự chủ, hoàn thiện thể chế cho Tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước
Thời gian qua hoạt động của 19 Tập đoàn, Tổng Công ty do Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) quản lý đã thể hiện được vị trí, vai trò nòng cốt trong nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng; bảo đảm các cân đối lớn cho nền kinh tế và nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, hoạt động của các Tập đoàn, Tổng công ty này vẫn còn một số tồn tại, chưa đáp ứng được mục tiêu, kỳ vọng đặt ra.
Theo báo cáo của CMSC, tính đến ngày 31/12/2022, tổng vốn chủ sở hữu và tài sản hợp nhất của 19 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước cụ thể như sau: tổng vốn chủ sở hữu hợp nhất là 1 triệu 173 nghìn tỷ đồng; trong đó, tổng vốn chủ sở hữu của công ty mẹ là 955 nghìn tỷ đồng. Tổng tài sản hợp nhất là 2 triệu 445 tỷ đồng, trong đó, tổng tài sản của công ty mẹ là 1 triệu 636 nghìn tỷ đồng; đến ngày 31/12/2021, đã đầu tư vào tài sản dài hạn là 1 triệu 036 nghìn tỷ đồng.
Tính đến năm 2022, 19 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đã bảo đảm khoảng 87% nhu cầu điện năng, 50% xăng dầu bán lẻ, 100% khí khô, 70% khí hóa lỏng, 70% phân bón, 45% thuê bao di động, 41% băng rộng cố định mặt đất, 49% vận tải hành khách hàng không nội địa, quản lý 21/22 cảng hàng không dân dụng trên cả nước, 16% hàng hóa vận tải biển, 100% điều hành và vận tải giao thông đường sắt. Về sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, đã cung cấp 242,7 tỷ kWh điện, 10,84 triệu tấn dầu thô, 8,08 tỷ m3 khí, 42,2 triệu tấn than sạch, 13,76 triệu m3 xăng dầu, 5,78 triệu tấn Alumin; vận chuyển 124,7 triệu lượt hành khách, 131 triệu tấn hàng hóa… Năm 2022, tổng doanh thu của 19 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đạt 1 triệu 598 nghìn tỷ đồng (năm 2021 đạt 1 triệu 319 nghìn tỷ đồng), tổng lợi nhuận trước thuế đạt 83 ngàn 167 tỷ đồng (năm 2021 đạt 67 nghìn 478 tỷ đồng), tổng nộp ngân sách Nhà nước đạt 191 nghìn 781 tỷ đồng (năm 2021 đạt 177 nghìn 211 tỷ đồng). Thông qua những con số ấn tượng này cũng phần nào cho thấy các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước đã khẳng định được vị trí, vai trò nòng cốt trong nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng; bảo đảm các cân đối lớn cho nền kinh tế và nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước; góp phần điều tiết, thúc đẩy phát triển kinh tế, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, ổn định an ninh, chính trị…
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng trong nhiều năm qua việc thực hiện quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp Nhà nước vẫn còn bất cập như: việc tách chức năng quản lý Nhà nước và chức năng của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nhà nước; công tác cán bộ, chính sách tiền lương; cơ chế quản lý, giám sát và việc thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan và người đại diện chủ sở hữu Nhà nước. Chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nhiều Tập đoàn, Tổng công ty khu vực doanh nghiệp Nhà nước không cao và chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ. Một số doanh nghiệp Nhà nước yếu kém, làm ăn thua lỗ, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí và hình thành “nhóm lợi ích”, thao túng hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước, nhất là trong quản lý đất đai và hoạt động đầu tư xây dựng, làm thất thoát lớn tài sản Nhà nước, gây bức xúc cho xã hội. Tiến trình cơ cấu lại hệ thống doanh nghiệp Nhà nước vẫn chưa đáp ứng yêu cầu và mục tiêu đề ra…
Để đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh và hội nhập của các tổng công ty, tập đoàn kinh tế Nhà nước, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này hoàn thành tốt sứ mệnh và nhiệm vụ được giao cả trên mặt trận kinh tế, an ninh, chính trị lẫn an sinh xã hội đất nước, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng trong thời gian tới Nhà nước cần chú trọng tăng cường quyền tự chủ của doanh nghiệp, hoàn thiện thể chế quản lý theo hướng thúc đẩy các Tập đoàn, Tổng công ty và doanh nghiệp Nhà nước hoạt động theo nguyên tắc thị trường, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cạnh tranh bình đẳng và lấy hiệu quả kinh tế làm tiêu chí đánh giá chủ yếu.
Nhà nước thực hiện đầy đủ trách nhiệm của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp Nhà nước, cổ phần, vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp; thực sự đóng vai trò là nhà đầu tư, chủ sở hữu, bình đẳng về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm với các nhà đầu tư khác trong doanh nghiệp; tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí phân loại doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn Nhà nước và doanh nghiệp cổ phần thuộc các ngành, lĩnh vực đáp ứng đầy đủ chuẩn mực quốc tế về quản trị doanh nghiệp; áp dụng các phương pháp định giá tài sản tiên tiến phù hợp với cơ chế thị trường; bảo đảm vốn, tài sản của Nhà nước và giá trị doanh nghiệp được định giá đầy đủ, hợp lý, công khai, minh bạch, đồng thời, xử lý nghiêm minh các trường hợp định giá trị doanh nghiệp không đúng quy định của pháp luật để trục lợi, gây thất thoát tài sản. Xây dựng và áp dụng khung quản trị doanh nghiệp phù hợp với chuẩn mực quốc tế và khuyến khích áp dụng các nguyên tắc quản trị doanh nghiệp Nhà nước của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) tại một số tập đoàn kinh tế Nhà nước đa sở hữu với quy mô lớn; kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp Nhà nước có tính chuyên nghiệp, có trình độ cao, phẩm chất đạo đức tốt; thiết lập các hệ thống quản trị, kiểm soát nội bộ có hiệu quả trong việc phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, xung đột lợi ích; tình trạng cán bộ lãnh đạo, quản lý của doanh nghiệp Nhà nước móc ngoặc với cán bộ, công chức Nhà nước và khu vực kinh tế tư nhân để hình thành “nhóm lợi ích”, “sân sau”, lạm dụng chức vụ, quyền hạn thao túng hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước, trục lợi cá nhân, tham nhũng, lãng phí, gây tổn hại cho Nhà nước và doanh nghiệp. Xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của các chức danh quản lý trong hệ thống quản trị của doanh nghiệp Nhà nước; bảo đảm trách nhiệm đi đôi với quyền hạn. Nâng cao tiêu chuẩn, điều kiện, trách nhiệm của thành viên độc lập trong hội đồng quản trị. Tổng giám đốc và các thành viên ban điều hành doanh nghiệp Nhà nước do hội đồng thành viên, hội đồng quản trị bổ nhiệm, thuê và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và hợp đồng lao động.
Thực hiện chế độ tiền lương, tiền thưởng, thù lao của người lao động và người quản lý doanh nghiệp Nhà nước phù hợp với cơ chế thị trường, có tính cạnh tranh cao trên cơ sở kết quả sản xuất, kinh doanh. Áp dụng hệ thống đánh giá hiệu quả lao động đối với từng vị trí việc làm để xác định mức độ hoàn thành, năng suất, chất lượng và hiệu quả công việc, làm cơ sở trả lương, đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp, bố trí và đề bạt cán bộ. Triển khai rộng rãi cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm qua thi tuyển cạnh tranh, công khai, minh bạch đối với tất cả các chức danh quản lý, điều hành và các vị trí công việc khác trong doanh nghiệp. Hoàn thiện chế độ kế toán, kiểm toán và hệ thống báo cáo tài chính theo chuẩn mực quốc tế.
Song song đó Nhà nước cần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý, giám sát, kiểm tra, kiểm soát tại các Tập đoàn, Tổng công ty và doanh nghiệp Nhà nước, không để xảy ra thất thoát, lãng phí vốn, tài sản Nhà nước. Quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan thanh tra, cơ quan kiểm toán về kết quả thanh tra, kiểm toán đối với doanh nghiệp Nhà nước. Hoàn thiện hệ thống giám sát, tiêu chí đánh giá mức độ an toàn, hiệu quả hoạt động, xếp loại doanh nghiệp Nhà nước và người đại diện chủ sở hữu cổ phần, vốn góp của Nhà nước. Quản lý, giám sát chặt chẽ việc huy động, sử dụng vốn của doanh nghiệp Nhà nước; xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia thống nhất, đồng bộ về doanh nghiệp Nhà nước và vốn, tài sản của Nhà nước tại doanh nghiệp. Đổi mới mô hình tổ chức và phương thức lãnh đạo của tổ chức đảng tại doanh nghiệp Nhà nước. Quy định rõ trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu tổ chức đảng trong doanh nghiệp Nhà nước khi để xảy ra thua lỗ, tổn thất trong hoạt động và vi phạm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị – xã hội, xã hội – nghề nghiệp trong quá trình triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về doanh nghiệp Nhà nước; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong doanh nghiệp Nhà nước.
Ngoài ra để khắc phục những bất cập phát sinh trong quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, đầu tư, quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Nhà nước cần tập trung rà soát, sửa đổi các quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai… và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Hoàn thiện quy định về việc Nhà nước đặt hàng, lựa chọn cạnh tranh doanh nghiệp Nhà nước tham gia thực hiện nhiệm vụ chính trị – xã hội; Tổng kết, đánh giá và hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật bảo đảm Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp hoạt động hiệu lực, hiệu quả trong thực thi nhiệm vụ được giao; đồng thời bảo đảm quyền tự chủ trong hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, trao quyền chủ động hơn cho doanh nghiệp, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong cơ cấu lại và triển khai các hoạt động sản xuất kinh doanh; tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước, kiểm soát quyền lực, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Tăng cường công tác chỉ đạo, giám sát, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các kế hoạch, phương án cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã được phê duyệt. Gắn trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Chủ tịch Hội đồng thành viên/Chủ tịch công ty/Chủ tịch Hội đồng quản trị/người đại diện phần vốn Nhà nước tại các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước với việc phê duyệt và tổ chức thực hiện Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp, tổ chức và giám sát việc triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án được duyệt. Nâng cao hiệu quả và vai trò lãnh đạo toàn diện của tổ chức đảng tại doanh nghiệp Nhà nước trong việc chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng và thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước. Phân định rõ giữa lãnh đạo quản lý và điều hành doanh nghiệp. Quy định rõ trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu tổ chức đảng trong doanh nghiệp Nhà nước khi để xảy ra thua lỗ, tổn thất trong hoạt động và vi phạm.
Thu Phan