Tăng cường tầm soát, chặn dịch bên trong

Tại cuộc họp sáng 20/3, các thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (COVID-19) thống nhất nhận định, trong giai đoạn 1 chúng ta đã thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh. Bước sang giai đoạn 2, đại dịch đã lây lan ra toàn cầu đòi hỏi phải có sự thay đổi trong chiến lược ngăn chặn dịch.

Chúng ta đã bước sang giai đoạn 2 nên phải thay đổi chiến lược ngăn chặn dịch bệnh COVID-19. Cùng với việc ngăn chặn quyết liệt nguồn dịch từ bên ngoài xâm nhập vào, trong nước phải khẩn trương triển khai các giải pháp tầm soát, sàng lọc tất cả các đối tượng nghi nhiễm, có nguy cơ… phát hiện sớm ca bệnh, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng.

Mặc dù đã sớm dự báo được nguy cơ dịch bệnh từ nước ngoài xâm nhập vào Việt Nam, song vì nhiều yếu tố, chúng ta không thể ngay lập tức “đóng cửa”. Vì vậy, bên cạnh việc ngăn chặn dịch bệnh từ bên ngoài xâm nhập, chúng ta không được quên nguy cơ lây nhiễm rất lớn từ hàng trăm nghìn người đã nhập cảnh vào Việt Nam (từ ngày 1/3 đến nay), trong đó rất nhiều người đến từ vùng có dịch. Do vậy, chúng ta cần triển khai các biện pháp ứng phó quyết liệt.

GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng bên cạnh việc cách ly triệt để tất cả công dân Việt Nam, người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, ở trong nước cũng phải khẩn trương tiến hành tầm soát, sàng lọc, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ để tiến hành xét nghiệm phát hiện ca bệnh, cách ly, điều trị. 

Ban Chỉ đạo đã giao Bộ Y tế, lực lượng quân y khẩn trương xây dựng phương án, mua sắm vật tư, thiết bị máy móc, tập huấn… để triển khai các phòng thí nghiệm lưu động sớm nhất có thể; tiếp nhận và áp dụng nhiều phương pháp xét nghiệm khác nhau, huy động tổng lực hệ thống xét nghiệm để cơ bản tầm soát, sàng lọc tất cả các trường hợp có nguy cơ lây nhiễm hiện nay.

Ngành y tế và cả hệ thống phải vào cuộc khẩn trương, quyết liệt vận động nhân dân khai báo y tế tự nguyện; “rà từng ngõ, gõ từng nhà” để nắm được tình trạng sức khoẻ của từng người dân, phân nhóm các trường hợp đã tiếp xúc với người từ vùng dịch trở về, người cao tuổi, người yếu thế, người có bệnh nền, người có nguy cơ nhiễm bệnh cao… từ đó hình thành lưới sàng lọc, có biện pháp hỗ trợ y tế kịp thời với những người có nguy cơ cao tại cộng đồng; triển khai các ứng dụng khám chữa bệnh từ xa đối với một số bệnh thông thường.

Về công tác tổ chức tiếp nhận và cách ly, Ban Chỉ đạo đã thảo luận và cho rằng cần tiếp tục giao quân đội chủ trì công tác cách ly tập trung, đồng thời lưu ý thực hiện nghiêm túc tuyệt đối kỷ luật quân đội trong các khu cách ly, tập huấn kỹ hơn nữa cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ, không được có bất kỳ tâm lý chủ quan, tư tưởng xem nhẹ. Mọi người Việt Nam khi về nước đều phải cách ly theo quy định, không được bỏ sót bất kỳ trường hợp nào.

Đồng thời, các địa phương chuẩn bị các khách sạn, cơ sở lưu trú để tổ chức cách ly có thu phí đối với người nước ngoài mang hộ chiếu ngoại giao, công vụ, các chuyên gia làm việc tại các dự án quan trọng theo yêu cầu của Việt Nam. Đối với người Việt Nam về nước, nhà nước bảo đảm các điều kiện để công dân thực hiện cách ly tập trung theo quy định.

Các ý kiến cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ LĐTB&XH chỉ đạo các trường đại học, cao đẳng bàn giao các ký túc xá sinh viên cho quân đội quản lý để sẵn sàng cơ sở vật chất phục vụ cách ly.

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quân y đề nghị phân vùng hạ cánh các chuyến bay hợp lý để tránh quá tải, gây áp lực ở nơi tiếp nhận. Bộ Quốc phòng cũng sẽ kiểm tra, chấn chỉnh những điểm chưa hợp lý, siết chặt kỷ luật quân đội để bảo đảm thực hiện cách ly an toàn theo quy định.

Cũng tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo cũng thảo luận các nội dung liên quan đến bảo đảm máy móc, trang thiết bị bảo hộ, vật tư y tế phục vụ công tác phòng chống dịch; quản lý đường biên giới phía Tây Nam; phối hợp hiệp đồng trong việc tiếp nhận công dân về nước, tổ chức cách ly…

Báo cáo của Ban Chỉ đạo cho biết, tính đến 17h ngày 19/3, tại Việt Nam đã ghi nhận 86 trường hợp mắc COVID-19, trong đó 16 trường hợp đã được điều trị khỏi và xuất viện trong giai đoạn 1, hiện còn 70 trường hợp đang được điều trị.

Việt Nam cũng đã thực hiện tổng số 15.009 mẫu xét nghiệm. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khoẻ (cách ly) là 38.081 người, trong đó có 7.316 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 2.241 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và 28.524 người cách ly tại nhà, nơi cư trú.

Về tình hình các trường hợp mắc bệnh đang điều trị: 70 bệnh nhân (46 người Việt Nam, 24 người nước ngoài) đang được điều trị tại 12 cơ sở khám chữa bệnh. Trong đó có 2 bệnh nhân tình trạng nặng đang được điều trị tích cực và 7 bệnh nhân có tiến triển nặng lên, các trường hợp còn lại sức khoẻ ổn định.

Kim Thịnh