Tăng cường cảnh báo sớm – “Chìa khóa” nâng cao năng lực phòng vệ thương mại

Đó là khẳng định của ông Chu Thắng Trung – Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (PVTM) – Bộ Công Thương, đặt trong bối cảnh số lượng các vụ kiện PVTM đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam gia tăng nhanh chóng trong những năm gần đây. nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Kích hoạt hệ thống cảnh báo sớm về PVTM

Tính đến hết tháng 7/2021, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã là đối tượng của 207 vụ việc điều tra PVTM của nước ngoài. Trong đó, số vụ việc điều tra từ năm 2011 đến nay là 160 vụ việc, chiếm tỷ lệ 77%. Các sản phẩm của Việt Nam bị điều tra PVTM khá đa dạng, tập trung nhiều ở các sản phẩm kim loại (thép, nhôm); nông, thủy sản (tôm, cá tra) và sợi. Về thị trường khởi xướng điều tra, áp dụng biện pháp PVTM với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, đứng đầu là Mỹ, tiếp theo là Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, EU, Canađa, Úc, các nước ASEAN, còn lại là một số thị trường khác. Việc bị nước ngoài áp dụng các biện pháp PVTM sẽ dẫn tới những tác động tiêu cực như: làm giảm lợi thế cạnh tranh; mất khách hàng; gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ổn định trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp….

Trước tình hình trên, nhằm hạn chế các nguy cơ bị kiện cũng như giúp các doanh nghiệp chủ động hơn trong việc xử lý, ứng phó với các vụ việc điều tra PVTM, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về PVTM. Mục tiêu của đề án nhằm cảnh báo trước những mặt hàng xuất khẩu có nguy cơ bị nước ngoài điều tra PVTM là nhằm giúp các doanh nghiệp có sự chuẩn bị trước, giúp các cơ quan chức năng thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp có trọng tâm, trọng điểm. Hệ thống cảnh báo sớm còn giúp các cơ quan chức năng tăng cường các hoạt động đấu tranh với các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp nhằm lẩn tránh biện pháp PVTM.

Về cơ chế hoạt động của hệ thống cảnh báo sớm về PVTM, Phó Cục trưởng Chu Thắng Trung cho biết hệ thống này được xây dựng dựa trên nguyên tắc theo dõi biến động xuất khẩu của các mặt hàng đã bị thị trường xuất khẩu áp dụng biện pháp PVTM hoặc các biện pháp hạn chế thương mại khác với nước thứ ba nhưng chưa áp dụng biện pháp tương tự đối với Việt Nam. Nếu xuất hiện những yếu tố rủi ro như xuất khẩu từ Việt Nam có sự tăng trưởng nhanh, hàng Việt Nam chiếm thị phần đáng kể tại thị trường xuất khẩu, hay có những dấu hiệu cho thấy các doanh nghiệp sản xuất tại thị trường xuất khẩu đang bị ảnh hưởng bởi sự cạnh tranh từ hàng Việt Nam, hệ thống sẽ đưa những mặt hàng này vào danh sách cảnh báo.

Hiện nay định kỳ hàng quý, Cục PVTM đều cập nhật và thông báo công khai danh sách cảnh báo để các cơ quan chức năng, hiệp hội, doanh nghiệp và các bên liên quan khác có định hướng cụ thể, chuẩn bị trước cho khả năng bị nước ngoài tiến hành điều tra PVTM. Trên cơ sở danh sách cảnh báo do Cục cung cấp, các cơ quan chức năng cũng đã phối hợp, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xác minh việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ, khai báo xuất xứ khi thông quan, đăng ký đầu tư nước ngoài; hợp tác với cơ quan chức năng của các đối tác thương mại nhằm ngăn chặn các hành vi mạo nhận xuất xứ Việt Nam để lẩn tránh biện pháp PVTM một cách bất hợp pháp.

Hiệu quả bước đầu

Tính từ thời điểm lần đầu tiên Bộ Công Thương công bố danh sách cảnh báo vào tháng 7/2019 tới thời điểm hiện tại đã có 7 sản phẩm nằm trong danh sách cảnh báo bị nước ngoài điều tra PVTM gồm: gỗ dán có nguyên liệu làm từ gỗ cứng, đệm mút, lốp xe ôtô, ống đồng, mật ong, thép chống ăn mòn, gạch men. Bộ Công Thương cũng đã sớm tiếp cận với các doanh nghiệp trong ngành để cung cấp thông tin, giúp doanh nghiệp hiểu được các nguyên tắc, quy trình điều tra; các công việc doanh nghiệp cần thực hiện cũng như các kịch bản có thể xảy ra, qua đó giúp doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị để đáp ứng đầy đủ, chính xác nhất các yêu cầu của cơ quan điều tra nước ngoài.

Song song đó các hoạt động cảnh báo sớm hỗ trợ doanh nghiệp dù mới được triển khai song cũng đã gặt hái được những kết quả ban đầu rất đáng khích lệ. Đơn cử như vụ việc Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm lốp xe, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam (chiếm 95,5% tổng kim ngạch xuất khẩu lốp xe của Việt Nam sang Hoa Kỳ) không bị áp thuế chống bán phá giá. Trong vụ việc Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm ống đồng, thuế chống bán phá giá đối với doanh nghiệp Việt Nam là 8,35%, thấp hơn nhiều so với mức do ngành sản xuất trong nước của Hoa Kỳ cáo buộc (110%).

Ông Chu Thắng Trung hiện nay xu thế bảo hộ tại các quốc gia đang gia tăng mạnh mẽ nhằm bảo vệ nền sản xuất nội địa; chính vì vậy khi đã tham gia vào thương mại quốc tế, các doanh nghiệp xuất khẩu cần xác định khả năng sẽ phải đối mặt với các vụ việc điều tra PVTM của nước sở tại. Điều quan trọng là cách thức xử lý, ứng phó của doanh nghiệp khi gặp phải các cuộc điều tra như vậy. Các thông tin về cảnh báo là một trong những kênh thông tin giúp doanh nghiệp sớm nhận biết nguy cơ bị điều tra PVTM đối với mặt hàng xuất khẩu của mình. “Các doanh nghiệp cũng có thể chủ động cân nhắc để điều chỉnh chiến lược kinh doanh của mình một cách hợp lý nhằm tránh để ảnh hưởng lớn trong trường hợp hoạt động xuất khẩu có kết quả không mong muốn do biện pháp PVTM của nước ngoài gây ra” – Phó Cục trưởng Cục PVTM khuyến nghị