Taliban trở lại Afghanistan là mối đe dọa khủng bố ở phương Tây
Thất bại của phương Tây ở Afghanistan sẽ được ghi nhớ như một trong những sự kiện nổi bật trong lịch sử thế giới. Không chỉ liên minh các quốc gia nhảy vào nước này cách đây 20 năm đã không xuất khẩu được giá trị của mình, mà họ còn không mang lại bất kỳ sự ổn định nào cho chính quyền địa phương hoặc an ninh cho người dân nước này. Trong quá trình rút lui, Washington được cho là đã mở đường cho các chủ thể quốc tế khác, điển hình là Bắc Kinh lấp đầy khoảng trống.

Khi Taliban săn lùng những người đã hợp tác với phương Tây và chuẩn bị đàn áp các quyền tự do cơ bản, nhiều người lo ngại đất nước này sẽ trở thành thiên đường cho những kẻ khủng bố, với những hậu quả nghiêm trọng cho chính phương Tây.
Taliban vẫn tự hào có quan hệ mật thiết với al-Qaida và đã chiếm được vũ khí của Mỹ. Taliban có thể sử dụng chiến thắng của mình trước chính phủ Afghanistan và phương Tây như một lực lượng đáng kinh ngạc trong việc tuyển mộ và phát triển các chiến binh thánh chiến muốn tấn công trên toàn cầu. George Robertson (cựu lãnh đạo NATO), tuyên bố rằng sự trở lại của Taliban đã tạo điều kiện cho sự xuất hiện của “một loạt các chiến binh thánh chiến” từ các quốc gia khác – những kẻ có thể lên kế hoạch và thực hiện các cuộc tấn công khủng bố trong và ngoài khu vực.
Hồi tháng 5, các chuyên gia khủng bố Bruce Hoffman và Jacob Ware đã cảnh báo về nguy cơ rút khỏi Afghanistan. Họ cho rằng al-Qaida sẽ là người hưởng lợi cuối cùng nếu phương Tây đánh giá thấp mối đe dọa do sự trở lại của Taliban. Và với nguồn lực chống khủng bố ngày càng mỏng, nước Mỹ có thể sẽ kém an toàn hơn.
Mark Milley (Chủ tịch hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ), đã nhắc lại chính xác nỗi sợ hãi này về các nhóm khủng bố đang cải tổ ở nước này trong những ngày trước khi Kabul rơi vào tay Taliban. Người đứng đầu MI6 trước đây đã cảnh báo mối đe dọa khủng bố ở Anh cũng sẽ gia tăng khi Taliban nắm quyền.
Những thanh niên dễ bị tổn thương từ những vùng lân cận bị thiệt thòi, những người đã cảm thấy bị xa lánh có thể bị kích thích bởi chiến thắng của Taliban và các cuộc tấn công dàn dựng. Một nghiên cứu ở Ý (một quốc gia thường không gắn liền với chủ nghĩa cực đoan thánh chiến), cho thấy sự ủng hộ đối với các nhóm khủng bố cao hơn hình dung.
Chiến thắng của Taliban sẽ thu hút các phần tử thánh chiến đến Afghanistan, chúng ta phải biết rằng nó cũng có thể truyền cảm hứng cho các cá nhân ở phương Tây.
Tuy nhiên, những quan điểm này không hoàn toàn được chia sẻ rộng rãi. Một sĩ quan cấp cao của Afghanistan hiện đang ẩn náu ở Kabul cho rằng nếu có bất cứ điều gì xảy ra, có thể có cuộc đụng độ giữa Taliban và Nhà nước Hồi giáo (còn được gọi là ISIS hoặc Daesh). Theo truyền thống, hai nhóm có mâu thuẫn với nhau vì Nhà nước Hồi giáo coi Taliban là những kẻ bội đạo vì đã đàm phán với người Mỹ.
Vấn đề là Taliban “cần được quốc tế công nhận và họ muốn duy trì quyền lực”. Theo quan điểm này, việc giữ vững Afghanistan quan trọng hơn là đóng vai chủ nhà cho một cuộc thánh chiến toàn cầu. Chúng ta biết rằng Taliban nhận được sự ủng hộ phổ biến của nhiều người Afghanistan, những người thường coi nhóm này ít tham nhũng hơn chính phủ. Họ có thể coi trọng quyền lực với trái tim và khối óc hơn tình bạn với al-Qaida và thánh chiến toàn cầu. Và sau khi để Afghanistan bị vượt mặt, phương Tây có thể có một số lựa chọn khác ngoài việc chờ xem Taliban chọn con đường nào.
Tùng Lâm