Tại sao Việt Nam nhất định phải có ô tô thương hiệu Việt?
Rất nhiều lần các thành viên Chính phủ bày tỏ mong muốn Việt Nam sớm phải có một thương hiệu ô tô Việt cho dù điều kiện bên ngoài không được thuận lợi. Ý chí, tham vọng đó đang được chính sách hoá ngày một mạnh mẽ.
Ngành công nghiệp ô tô đã có từ hơn 20 năm trước ở Việt Nam. Thời điểm đó, khủng hoảng kinh tế vừa được đẩy lùi, Việt Nam dần bước vào thời kỳ mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Ngành công nghiệp cơ bản, theo cách gọi của thời đó, đã lựa chọn công nghiệp cơ khí, trong đó có ô tô làm trọng tâm, là ngành đầu tàu giúp kinh tế vượt lên.
Nguyên nhân bên trong một chiếc xe ô tô có trung bình khoảng 2.000 linh, phụ kiện được thực hiện trên nền tảng của nhiều ngành công nghiệp khác nhau sẽ là động lực phát triển cho các ngành khác, từ cơ khí chế tạo bình thường đến cơ khí chính xác. Từ luyện kim, điện tử đến hoá dầu.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, dù có tầm nhìn nhưng giải pháp và cách chính sách chưa hiệu quả khiến cho thời kỳ lắp ráp – vốn xuất hiện trong tất cả các quốc gia phát triển công nghiệp ô tô, kéo dài đến nay vẫn chưa thoát khỏi.
Tỷ lệ nội địa hoá của Việt Nam là chưa cao. Ví dụ, ở xe ô tô dưới 9 chỗ đang khoảng 10%, rất thấp so với mục tiêu đề ra. Những thất bại này đã được Bộ Công thương thừa nhận. Trong bối cảnh đó, việc hội nhập sâu rộng đã khiến hàng rào thuế bị gỡ bỏ, giá xe nhập khẩu rẻ hơn nhiều so với giá xe sản xuất trong nước. Điều này khiến cho ngành công nghiệp ô tô càng gặp nhiều khó khăn hơn.
Dù vậy, các thành viên của Chính phủ thời gian trở lại đây, nhiều lần khẳng định ý chí, quyết tâm, Việt Nam buộc phải có ngành công nghiệp ô tô.
“Đất nước 50 triệu dân đã có ngành công nghiệp ô tô, Việt Nam gần 100 triệu dân quyết tâm sẽ làm được”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tuyên bố như thế. Ông cho biết Đảng và Nhà nước có chủ trương xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ trong môi trường bất trắc nên việc có thương hiệu ô tô riêng là rất quan trọng.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trong chuyến thăm Tổ hợp sản xuất ô tô VinFasst mới đây một lần nữa lặp lại mong muốn của Chính phủ: Việt Nam phải có thương hiệu ô tô để cạnh tranh sòng phẳng với ô tô nhập khẩu cả về chất lượng, kiểu dáng, tính năng và giá thành.
Thực tế, thị trường ô tô Việt Nam đang rất rộng cửa cho các doanh nghiệp sản xuất xe. Bởi lẽ, Việt Nam đang nổi lên là thị trường tiêu thụ ô tô tiềm năng nhất thế giới. Tỷ lệ sở hữu ô tô hiện đang ở mức 23 xe/1.000 dân, trong khi tỷ lệ này ở Thái Lan là 204 xe/1.000, còn các nước phát triển là 400 xe/1.000. Mặt khác, cơ sở hạ tầng được cải thiện và thu nhập bình quân đầu người tăng dần trong các năm tới cũng được xem là điểm bùng nổ cho nhu cầu sở hữu ô tô.
Ngoài vấn đề có một thương hiệu cạnh tranh, Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh thông qua phát triển ngành ô tô, nhiều ngành phụ trợ khác cũng sẽ được kéo lên, giúp tăng việc làm, tăng thu ngân sách… như tầm nhìn của nhiều năm trước đó đã chỉ ra.
Theo đó, Chính phủ, như khẳng định của Phó Thủ tướng đang đề nghị các Bộ, ngành Trung ương tiếp tục hoàn thiện đồng bộ các chính sách phát triển công nghiệp ô tô, khuyến khích các nhà đầu tư trong nước đủ tiềm lực đầu tư vào lĩnh vực này, trong đó ưu tiên phát triẻn công nghiệp hỗ trợ.
Các địa phương, đơn cử như Hải Phòng, vốn là nơi đặt Tổ hợp sản xuất ô tô của VinFast cũng được đề nghị tiếp tục các chính sách hỗ trợ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.
Theo Trí thức trẻ