Tác động từ việc tăng lãi suất của Fed đối với thị trường tài chính và người tiêu dùng
Đặt trong bối cảnh hiện nay, ưu tiên hàng đầu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) là kìm hãm đà tăng lạm phát và một trong những công cụ mà Ngân hàng Trung ương Mỹ sẽ sử dụng chính là tăng lãi suất.
Theo dự báo của các nhà phân tích của Goldman Sachs, trong năm 2022 này Fed sẽ tăng lãi suất 4 lần, thậm chí là nhiều hơn. Và để làm chậm dòng tiền chảy vào một nền kinh tế vốn đã quá nóng, bên cạnh việc tăng lãi suất, Fed cũng sẽ cắt giảm 9 con số hàng tháng đối với bảng cân đối kế toán của mình….
Tuy nhiên biện pháp này lại là con dao hai lưỡi đối với người tiêu dùng Mỹ bởi lãi suất cao hơn sẽ làm lạm phát chậm lại, nhưng khi giá cả bắt đầu giảm thì việc vay tiền lại tốn kém hơn. Do e ngại lãi suất vay cao nên người tiêu dùng sẽ chỉ mua các loại xe hơi hay nhà cửa giá rẻ…
Trong năm 2021, lãi suất cho các khoản vay mua xe mới kỳ hạn 60 tháng đã giảm từ 4,24% vào đầu năm xuống 3,92% trong những ngày cuối tháng 12. Tuy nhiên bước sang năm 2022, với việc Fed tăng lãi suất, khoản vay mua ô tô mới trung bình trong 5 năm dự kiến sẽ tăng lên 4,4% vào cuối năm.
Còn với lãi suất cho vay mua nhà, Forbes dự đoán với việc Fed tăng lãi suất thì lãi suất thế chấp mua nhà cố định trong 30 năm sẽ tăng lên khoảng từ 3,4% đến 4% vào cuối năm 2022.
Thông thường khi Fed tăng lãi suất vay thì các ngân hàng sẽ tăng lãi suất tiết kiệm song lần này có thể sẽ có ngoại lệ do ở thời điểm hiện tại các ngân hàng đều rất dồi dào nguồn tiền mặt. Điều này đồng nghĩa với khách hàng của ngân hàng có thể sẽ phải chịu đựng điều tồi tệ nhất ở cả hai phía – các khoản vay có mức lãi suất cao hơn trong khi đó lãi suất các khoản gửi tiết kiệm lại hết sức ảm đạm.
Kể từ cuối năm 2021, khi Fed vẫn chưa công bố kế hoạch nâng lãi suất thì các thị trường đã tự thắt chặt các điều kiện tài chính. Theo đó lợi tức trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm đã tăng lên 1,9% – mức cao nhất trong hơn 2 năm trở lại đây.
Theo CNBC, tác dụng phụ đáng lo ngại khác của việc tăng lãi suất có thể xảy ra trên thị trường chứng khoán Mỹ, nơi mà trong tháng 1/2022 vừa qua đã có sự giảm điểm tệ nhất kể từ tháng 3/2020. Không chỉ thị trường chứng khoán mà thị trường tiền điện tử cũng sẽ giảm nhiệt khi Fed ngừng bơm thanh khoản vào các thị trường tài chính.
Còn theo các chuyên gia kinh tế, sự thay đổi của nền kinh tế Mỹ có tác động trực tiếp đến các nền kinh tế khác. Cụ thể, khi Fed tăng lãi suất, dòng tiền bị hút về Mỹ vô hình chung sẽ làm giảm sức hút đầu tư của các thị trường ngoài Mỹ. Trong trường hợp đồng USD mạnh lên do cung tiền của cường quốc số một thế giới giảm đi thì những nước vay nợ bằng đồng USD sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ vì giá trị nợ tăng lên.
Vậy có khả năng Fed sẽ tăng lãi suất mạnh mẽ không? Câu trả lời ở đây là ít có khả năng đó. Thống kê cho thấy trong tháng 1/2022, số việc làm mới của Mỹ cao hơn nhiều so với mong đợi. Từ tín hiệu này, thị trường đặt cược rằng bắt đầu từ tháng 3/2022, Fed sẽ tăng lãi suất với mức tăng mạnh mẽ, nửa điểm.
Tuy nhiên để không làm suy yếu sự hồi phục của thị trường lao động, không loại trừ khả năng Fed sẽ tăng lãi suất trong hầu hết 7 cuộc họp từ nay đến cuối năm, khi cơ quan này bước vào giai đoạn chiến đấu với lạm phát cao.
Theo dự đoán của các nhà giao dịch, Fed sẽ điều chỉnh tăng thêm 1/4 điểm phần trăm, lên 0,25 – 0,5% đối với lãi suất tiền cho vay qua đêm giữa các ngân hàng Mỹ. Đặc biệt có đến 31% số nhà giao dịch dự đoán mức tăng sẽ lên tới hơn nửa điểm, cao hơn nhiều so với tỷ lệ 13% dự đoán trước khi Cục Thống kê Lao động Mỹ công bố số liệu việc làm trong tháng 1.
Đi ngược với dự đoán nhu cầu lao động sẽ giảm do số ca nhiễm Covid-19 gia tăng, được biết trong tháng 1 vừa qua các nhà tuyển dụng Mỹ đã tuyển dụng thêm 467.000 việc làm, vượt tất cả mọi dự đoán lạc quan nhất của các nhà kinh tế trong cuộc thăm dò của Reuters.
Một bất ngờ nữa là lương trung bình theo giờ trong tháng 1 cũng tăng tới 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù so với trước đại dịch (tháng 3/2020), thị trường việc làm vẫn thấp hơn 2,8 triệu song tín hiệu vui là khoảng cách đang dần được thu hẹp.
Kể từ những năm 1990, khi Fed đã thành công trong các công cuộc kiềm chế phần lớn lạm phát thì các đợt tăng 50 điểm cơ bản là ngoại lệ và chưa bao giờ được sử dụng để bắt đầu một chu kỳ thắt chặt. Theo ông James Bullard – Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang St. Louis, một trong những người ủng hộ thái độ cứng rắn nhất của Fed về việc thắt chặt chính sách sớm và nhanh, hiện vẫn chưa rõ nên tăng lãi suất mạnh mẽ đến mức nào.
Quang Anh