Suy thoái kinh tế tại Nhật Bản ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu giảm trong đại dịch
Nền kinh tế Nhật Bản bị suy thoái khi xuất khẩu đã giảm gần 22% trong tháng 4 trong khi nhập khẩu giảm 7%, mức giảm mạnh nhất của quốc gia trong hơn một thập kỷ do đại dịch COVID-19 làm giảm nhu cầu toàn cầu.
Đây là đợt sụt giảm xuất khẩu tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, khi Nhật Bản phụ thuộc vào xuất khẩu phải chật vật để đối mặt với rủi ro y tế do COVID-19 với nhu cầu cấp bách để duy trì nền kinh tế.
Bộ Tài chính báo cáo hôm thứ Năm: Trong tháng 4, xuất khẩu đạt 5,2 nghìn tỷ Yên (48 tỷ USD), giảm so với gần 6,7 nghìn tỷ Yên cùng kỳ năm 2019. Nhập khẩu giảm xuống còn 6,1 nghìn tỷ Yên (57 tỷ USD) từ 6,6 nghìn tỷ Yên.
Giống như nhiều quốc gia khác, Nhật Bản đã yêu cầu mọi người làm việc tại nhà và duy trì giãn cách xã hội để ngăn chặn virus lây lan. Các biện pháp phong tỏa chính phủ đã được nới lỏng trong tháng này ở các khu vực có ít hoặc không có ca nhiễm mới, mặc dù biện pháp phong tỏa vẫn được áp dụng tại Tokyo và một số khu vực khác.
Nếu tính theo từng ngành, xuất khẩu phương tiện, máy móc, hóa chất và dệt may giảm mạnh nhất.
Nhập khẩu giảm trong ngành sắt và thép, thực phẩm như cá và ngũ cốc, và các linh kiện máy tính.
Nhật Bản đang trong thời kỳ suy thoái sau khi sự thu hẹp bắt đầu vào quý cuối cùng của năm ngoái và đã giảm sâu trong quý 1 năm nay. Các nhà phân tích cho biết, điều tồi tệ hơn còn ở phía trước, do nỗi đau kinh tế của đại dịch có thể kéo dài.
Du lịch và lữ hành đã suy giảm. Các nhà hàng đã đóng cửa hoặc tái cơ cấu thành loại hình bán mang đi, và những nhà hàng vẫn mở cửa sẽ nhận được ít khách hàng hơn.
Ngay cả trước đó, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới cũng hầu như không tăng trưởng trong một số giai đoạn. Cuộc xung đột thương mại gần đây giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ cũng làm tổn thương Nhật Bản.
Kim Phương