Sự tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng toàn cầu và những hệ lụy
Sự trỗi dậy của các nền kinh tế, đặc biệt là kinh tế Mỹ; sự bùng nổ nhu cầu tiêu dùng; sự cố tắc nghẽn giao thông ở kênh Suez…được cho là những tác nhân tạo áp lực chồng chất lên chuỗi cung ứng toàn cầu và dẫn đến nguy cơ thiếu hụt hàng hóa, đẩy giá thành lên cao.

Kết quả khảo sát được công bố gần đây cho thấy sự cố tắc nghẽn giao thông ở kênh Suez đã kéo dài thời gian nhận nguyên liệu thô và các nguyên liệu đầu vào khác, dẫn đến tình trạng tồn đọng sản xuất và giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh, đẩy các nhà sản xuất đã vào tình cảnh khó khăn.
Tại Mỹ, tình trạng đơn đặt hàng tăng mạnh trong bối cảnh thiếu hụt nguyên liệu thô đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất của các nhà máy. Hậu quả là sản lượng sản xuất trong 5 tháng gần đây đã có sự sụt giảm đáng kể. Công ty dữ liệu IHS Markit cho biết các CEO tại Mỹ đã thông báo sự gián đoạn nguồn cung nghiêm trọng nhất kể từ khi bắt đầu khảo sát vào năm 2007; thêm vào đó tình trạng nguyên liệu trầm trọng cũng khiến sản lượng sụt giảm, khó lòng đáp ứng được các đơn đặt hàng mới dồn dập. “Tôi không nói rằng gián đoạn nguồn cung nhất thiết là rủi ro cho sự phục hồi, chỉ là chúng sẽ hạn chế tạm thời mức độ phát triển của nền kinh tế” – ông Andrew Hunter, Nhà kinh tế cấp cao của Mỹ tại Capital Economics nhấn mạnh.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế và ngân hàng trung ương, tình trạng thiếu hụt nguyên liệu có thể chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. Một khi các chương trình tiêm chủng ngừa Covid – 19 được triển khai rộng rãi, các dịch vụ có đón khách và các dịch vụ khác dần phục hồi trở lại sẽ góp phần chuyển hướng chi tiêu của người tiêu dùng khỏi các hàng hóa có nhu cầu đặc biệt cao như: máy tính xách tay, các thiết bị điện tử gia đình…. Ông Jerome Powell – Chủ tịch Hội đồng Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang cho rằng tình trạng này dễ dẫn đến áp lực tăng giá nhẹ nhưng mọi chuyện chỉ là tạm thời.
Kể từ tháng 5/2020, sản lượng của các nhà máy trên toàn cầu đã bắt đầu phục hồi về mức trước khi bị phong tỏa. Tốc độ phục hồi lần này nhanh hơn nhiều so với hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu trước đây. Nhà kinh tế Veronica Clark của Citi cho biết kể từ khi sản lượng của các nhà máy dần phục hồi nhờ các gói cứu trợ kinh tế, áp lực về giá tại Mỹ cũng tăng lên đáng kể. Giá tiêu dùng tăng và dự báo tiếp tục tăng nhiều khả năng sẽ gây ra lạm phát trên diện rộng buộc FED phải tăng lãi suất. Tuy nhiên các nhà kinh tế lại nhận định FED sẽ ít chú ý đến áp lực giá tạo ra bởi sự gián đoạn chuỗi cung ứng thời gian gần đây; nếu vậy thì chính sách thắt chặt tiền tệ cũng sẽ khó xảy ra.
Tại Mỹ, lượng ô tô tại các đại lý giảm mạnh tại do tình trạng thiếu hụt nguyên liệu, phụ tùng sản xuất…. Điều này đồng nghĩa với người mua có ít mẫu xe để lựa chọn, thời gian chờ đợi lâu hơn song vẫn phải bỏ số tiền cao hơn. Thống kê cho thấy trong tháng 1/2021, chi tiêu cho hàng hóa của người tiêu dùng Mỹ đã tăng gần 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Chris Williamson – Nhà kinh tế trưởng của IHS Markit cho biết sự gián đoạn và chậm trễ của chuỗi cung ứng khiến các nhà sản xuất không thể bắt kịp nhu cầu tiêu thụ, kéo theo đó là tình trạng tăng giá, với tỷ lệ chi phí đầu vào và lạm phát cao hơn nhiều so với những gì từng xảy ra trong lịch sử khảo sát
Còn tại Đức – một trong những cường quốc sản xuất trên thế giới, khảo sát PMI ghi nhận mức tăng sản lượng mạnh nhất kể từ 1996. Đối với nền kinh tế vẫn còn chịu tác động lớn của dịch bệnh như Đức thì đây thực sự là một tín hiệu vui.
Trong 6 tháng qua, nền kinh tế châu Âu phát triển theo hai hướng; trong khi sản xuất tăng trưởng mạnh thì hoạt động trong các lĩnh vực dịch vụ lại sụt giảm. Đến tháng 3/2021, nền sản xuất của châu Âu chứng tỏ sức mạnh vượt trội, bù đắp cho sự sụt giảm của dịch vụ, tạo tiền đề cho tăng trưởng chung. Tuy nhiên hiện nay nỗ lực duy trì tăng trưởng đang gặp khó do cả Pháp và Đức đều đã áp dụng các hạn chế mới đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp nhằm kìm hãm sự lây lan của dịch bệnh.
Cũng như Pháp và Đức, ở hầu hết các nền kinh tế khác sự phục hồi đang diễn ra, trong đó tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực sản xuất mạnh hơn so với mảng dịch vụ. Theo ông Oren Klachkin – Nhà kinh tế tại Oxford Economics, việc tiêm chủng mạnh mẽ trên khắp thế giới sẽ làm giảm áp lực giá và khai thông chuỗi cung ứng. Những gián đoạn này có thể sẽ kéo dài trong thời gian trước mắt và sẽ không biến mất hoàn toàn cho đến khi các nước vượt qua cuộc khủng hoảng Covid ở cấp độ toàn cầu.
Tại Australia, khảo sát cho thấy mức giá nhập khẩu nguyên phụ liệu đã tăng mạnh nhất trong lịch sử và đây cũng là nguyên nhân gây ra tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng. Trên toàn khu vực châu Âu, các nhà máy ghi nhận mức tăng giá nguyên liệu đầu vào nhanh nhất trong một thập kỷ và thời gian chờ đợi nguyên liệu đầu vào cũng lâu nhất trong 23 năm khảo sát. Đặc biệt, các nhà sản xuất Đức nhấn mạnh việc kéo dài thời gian chờ đợi nguồn cung từ châu Á.
Tại Mỹ và châu Âu, các doanh nghiệp đã rục rịch tuyển thêm công nhân để đáp ứng đơn hàng tăng và đây được xem là động lực thúc đẩy sự phục hồi của lĩnh vực dịch vụ, khi các doanh nghiệp được phép mở cửa trở lại hoàn toàn. Tuy nhiên sự gia tăng chi phí nguyên vật liệu sẽ khiến giá thành sản phẩm tăng cao, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng.
Hùng Việt