Sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu phụ thuộc vào các gói kích thích, cuộc chiến chống virus
Các nhà lãnh đạo tài chính toàn cầu hôm thứ Ba cho biết nền kinh tế thế giới đã thoát khỏi sự sụp đổ do COVID-19 gây ra cho đến nay, nhưng cảnh báo rằng thất bại trong việc kiểm soát đại dịch, duy trì các gói kích thích và giải quyết nợ đang tăng lên giữa các quốc gia nghèo có thể phá vỡ sự phục hồi mong manh.

Khi bắt đầu các cuộc họp thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới, IMF đã đưa ra các dự báo tăng trưởng được cải thiện một chút được thúc đẩy bởi sự phục hồi mạnh mẽ sau các đợt phong tỏa ở các nước giàu nhất và Trung Quốc.
IMF cho biết hiện họ dự kiến tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu sẽ giảm 4,4% vào năm 2020, so với mức giảm 5,2% mà họ dự đoán vào tháng 6, khi việc đóng cửa kinh doanh ở mức đỉnh điểm. Khoảng 12 nghìn tỷ USD kích thích từ nền kinh tế tiên tiến đã giúp hạn chế thiệt hại, nhưng các nước nghèo và các nền kinh tế thị trường mới nổi khác phải đối mặt với một bức tranh tồi tệ hơn.
Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva cho biết: “Tình hình ít thảm khốc hơn chúng ta nghĩ cách đây ba tháng, nhưng vẫn rất thảm khốc”.
Georgieva cho biết các chính phủ cần tập trung vào các phản ứng y tế để kiểm soát COVID-19 và không được rút lại các kích thích sớm.
Bà nói thêm: “Nếu chúng ta cắt đứt những đường dây cứu sinh đã được mở rộng cho các gia đình và doanh nghiệp trước khi người dân thoát khỏi khủng hoảng COVID-19 thì điều này có thể dẫn tới thảm họa về phá sản, thất nghiệp và đảo lộn tất cả những thành tích đã đạt được.
Nhóm 20 nền kinh tế lớn, trong một dự thảo thông cáo, cho biết triển vọng “ít tiêu cực hơn” do những tác động tích cực từ các hành động đã được thực hiện, nhưng sự phục hồi sẽ “không đồng đều, không chắc chắn cao và có rủi ro cao. Chúng tôi sẽ duy trì và củng cố phản ứng chính sách của chúng tôi khi cần thiết, xem xét các giai đoạn khác nhau của cuộc khủng hoảng, để đảm bảo sự phục hồi ổn định và bền vững”.
Gia hạn đóng băng các khoản nợ
Dự thảo cũng cho biết G20 sẽ đồng ý gia hạn việc đóng băng các khoản nợ song phương chính thức cho các nước nghèo thêm sáu tháng nữa kể từ cuối năm nay.
Đó là mức ngắn so với thời gian gia hạn kéo dài một năm mà IMF, Ngân hàng Thế giới và nhiều quốc gia thị trường mới nổi đang tìm kiếm, nhưng G20 đã đồng ý xem xét tình hình nợ vào tháng 4 để xác định xem việc liệu gia hạn thêm sáu tháng nữa có được đảm bảo hay không.
Việc đóng bang nợ nhằm mục đích giải phóng hàng tỷ đô la để các nước nghèo có thể chuyển sang cho các phản ứng kinh tế và kiềm chế đại dịch.
Một số nhà lãnh đạo thị trường mới nổi cho biết cần phải làm nhiều hơn nữa để ngăn chặn tình trạng vỡ nợ ở các nền kinh tế yếu ớt từ châu Phi đến châu Mỹ Latinh.
Kenneth Ofori-Atta, Bộ trưởng Tài chính của Ghana và là Chủ tịch Nhóm 24 quốc gia đang phát triển, cho biết sự tham gia mạnh mẽ hơn từ các chủ nợ khu vực tư nhân, những người cho đến nay vẫn né tránh việc tạm hoãn nợ, là cần thiết cho những nỗ lực bao gồm tái cơ cấu nợ thị trường mới nổi.
Ofori-Atta cho biết: “Tất cả các bên sẽ cần một nỗ lực rất đồng bộ và phối hợp để chúng ta không mắc phải vào sai lầm. Tôi nghĩ rằng tất cả những điều này có thể tránh được nếu chúng ta có thể bắt đầu các cuộc thảo luận thực sự và trung thực về dòng tiền của tất cả các quốc gia này”.
Kim Sơn