Sự bất bình đẳng trong đại dịch thúc đẩy căng thẳng xã hội toàn cầu

Nghiên cứu mới từ Diễn đàn Kinh tế Thế giới  (WEF) đã cảnh báo về sự bất bình đẳng bắt nguồn từ đại dịch Covid-19 có thể làm bùng phát căng thẳng trong nước và xuyên biên giới trên khắp thế giới.

Báo cáo Rủi ro Toàn cầu năm nay của Diễn đàn Kinh tế Thế giới mô tả “sự phân hóa toàn cầu” – nơi các quốc gia nghèo hơn có tỷ lệ tiêm chủng ngừa Covid-19 thấp hơn nhiều và do đó, phải đối mặt với những rắc rối kinh tế kéo dài hơn.

WEF cho biết trong báo cáo công bố hôm thứ Ba vừa qua: “Covid-19 và những hậu quả kinh tế và xã hội của nó tiếp tục gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với thế giới. Sự bất bình đẳng về vắc xin và sự phục hồi kinh tế không đồng đều có nguy cơ làm gia tăng rạn nứt xã hội và căng thẳng địa chính trị. Sự khác biệt trên toàn cầu sẽ tạo ra căng thẳng – trong và ngoài biên giới – điều có nguy cơ làm trầm trọng thêm các tác động theo tầng của đại dịch và làm phức tạp thêm sự phối hợp cần thiết để giải quyết các thách thức chung”.

Ngoài số lượng người chết thảm khốc, một trong những tác động tức thời nhất của đại dịch là sự gia tăng bất bình đẳng sau đó, theo nhiều nhà kinh tế cho biết. Họ đã lưu ý rằng nhiều người đã phải đối mặt với tình trạng mất việc làm hoặc không có phương tiện để tham gia giáo dục trực tuyến.

Các quốc gia giàu có hơn đã tiếp cận sớm hơn với vắc xin Covid-19 và nhiều quốc gia đã tiêm liều vắc xin thứ ba hoặc thậm chí thứ tư cho công dân của họ. Trong khi đó, dân số tại các nước nghèo hơn mới chỉ được tiêm một liều đầu tiên.

Trong báo cáo, gần 1.000 chuyên gia toàn cầu và các nhà lãnh đạo từ các học viện, doanh nghiệp, xã hội dân sự, chính phủ và các tổ chức khác, nói rằng rủi ro xã hội “đã trở nên tồi tệ nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu”.

Những rủi ro cụ thể này bao gồm sự gắn kết xã hội và suy giảm sức khỏe tinh thần.

Ngoài ra, chỉ 16% số người được hỏi cho biết họ cảm thấy tích cực và lạc quan về triển vọng thế giới. Hơn nữa, chỉ 11% cho biết họ tin rằng sự phục hồi toàn cầu sẽ tăng tốc.

Quế Vân