Sống trong bể ngọc kim cương – Không bằng sống giữa tình thương bạn bè

Chính phủ luôn đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam; thành công của các bạn cũng là thành công của Việt Nam; coi khó khăn của các nhà đầu tư nước ngoài cũng là khó khăn của chính mình…để cùng nhau lan tỏa những điều tốt đẹp trong kinh doanh và từ kinh doanh làm ra những điều tốt đẹp.

Phát biểu trước hàng trăm CEO của các doanh nghiệp, tập đoàn trong và ngoài nước đến dự Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam năm 2019 với chủ đề “Việt Nam – Đối tác kinh doanh tin cậy trong kỷ nguyên số” tổ chức chiều 16/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dẫn câu ngạn ngữ và ca dao xưa: “Buôn có bạn, bán có phường; Sống trong bể ngọc kim cương không bằng sống giữa tình thương bạn bè” để khẳng định rằng: Việt Nam không chỉ là đối tác kinh doanh tin cậy, mà hơn thế nữa, Việt Nam muốn là người bạn chân thành. Việt Nam đã đang và sẽ luôn luôn là thành viên có trách nhiệm, góp phần vào mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với tất cả các quốc gia trên toàn thế giới, hướng tới một thế giới hòa bình và thịnh vượng.

Bày tỏ với các doanh nghiệp, Phó Thủ tướng cho rằng: Các bạn đến với Việt Nam và Việt Nam hợp tác với tất cả các bạn không chỉ dựa trên nền tảng là những đối tác tin cậy, không chỉ dựa trên mục tiêu kinh doanh cùng có lợi, mà quan trọng hơn nữa là chúng ta cùng nhau để làm lan tỏa những điều tốt đẹp trong kinh doanh và từ kinh doanh làm ra những điều tốt đẹp.

Khẳng định, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến các doanh nghiệp đề xuất tại hội nghị, Phó Thủ tướng chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp về cách thức ứng xử trước những biến động (thay vì đề cập đến những yếu tố có thể tác động tiêu cực) có thể “mang lại chúng ta niềm tin hơn”.

Theo ông, đó chính là khoa học công nghệ. “Nhờ khoa học công nghệ rất nhiều điều trước đây không thể làm được bây giờ có thể làm được. Rõ nhất là nhờ khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, thế giới đã nhỏ lại mọi người gần nhau hơn”, Phó Thủ tướng lý giải: Bằng công nghệ thông tin, chúng ta có thể gần nhau hơn, bên đây bán cầu, bên kia bán cầu cùng nhau chia sẻ công việc, thời gian làm việc không còn là tám tiếng mà có thể lên 24 tiếng;… nhờ khoa học công nghệ và sự hợp tác của tất cả các nước thì dù thực tế còn “điểm nọ, điểm kia, nhưng hòa bình và hợp tác chắc chắn vẫn tiếp tục là xu thế phát triển. Dù đó đây có các cuộc cọ sát về thương mại. Đó đây có những bước đi ngập ngừng trong việc tiếp tục để thế giới mở ra thương mại, đầu tư tự do hơn. Nhưng chúng ta đều thấy rõ rằng xu thế thế giới nhất định sẽ phải tăng cường hợp tác và cùng nhau không ai có thể khép riêng lại”…

Phó Thủ tướng cho biết: Mới cách đây mấy chục năm thôi Việt Nam là một nước bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Chúng tôi đã rất nỗ lực và đã đạt được những thành tựu toàn diện. Từ một nước nghèo đói bây giờ Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình. Nếu tính theo giá trị tuyệt đối thì chưa được 3.000 USD, nhưng ở điều kiện Việt Nam nếu tính theo sức mua thì đã lên trên 7.500 USD/người.

Trong khoảng 30 năm qua Việt Nam luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao. “Năm 2018, mặc dù rất khó khăn, chúng tôi vẫn đạt 7,08 % và năm nay với sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp chúng tôi đang phấn đấu để không kém năm ngoái”.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang rất nỗ lực để cải thiện môi trường kinh doanh. “Năm vừa qua chỉ số về môi trường cạnh tranh của Việt Nam có bước tăng (tăng 10 bậc, đứng thứ 67). Điều đáng mừng là trong 12 chỉ số, thì những chỉ số trực tiếp liên quan đến xu thế phát triển công nghệ mới, liên quan xu thế phát triển cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam đều có bước tăng rất mạnh. Trong đó có chỉ số về ứng dụng công nghệ thông tin”.

Việt Nam bây giờ hết sức mở, (không chỉ mở về giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu, hiện kim ngạch xuất khẩu Việt Nam đạt trên 480 tỷ USD, cao gần gấp đôi so với GDP) Việt Nam tiếp tục ủng hộ tất cả các sáng kiến để sao cho thị trường thế giới được cởi mở và tạo thuận lợi cho tất cả các đối tác cùng cạnh tranh bình đẳng. Việt Nam đã là điểm đến của các nhà đầu tư từ hơn 130 quốc gia và nền kinh tế thế giới. Đến ngày hôm nay đã có trên 30.000 dự án đầu tư trực tiếp từ nước ngoài với tổng số vốn đầu tư trên 300 tỷ USD.

Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam ngày hôm nay không chỉ là điểm đến, không chỉ là nơi kinh doanh mà còn là mảnh đất gắn bó với rất nhiều doanh nghiệp đến từ rất nhiều quốc gia trên thế giới. Điều đáng phấn khởi là, không chỉ những tập đoàn sản xuất hàng hóa lớn trên thế giới, mà những doanh nghiệp tham gia vào phát triển những công nghệ mới có thể làm thay đổi thế giới theo hướng tốt đẹp hơn đều đã có mặt ở Việt Nam. Việt Nam cũng rất tự hào, dù chưa nhiều, nhưng dần từng bước các doanh nghiệp, kĩ sư của Việt Nam cùng với các đối tác nước ngoài đã từng bước tham gia vào quá trình sáng tạo ra những công nghệ,…

Phó Thủ tướng chia sẻ, đã từ mấy chục năm qua, Việt Nam luôn luôn mở cửa chào đón các doanh nghiệp đến kinh doanh và thực tế chứng minh là có rất nhiều doanh nghiệp đã thành công ở Việt Nam. Những thành tựu của Việt Nam trong thời gian qua có phần đóng góp hết sức quan trọng của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

“Chúng tôi khẳng định nhất quán Chính phủ Việt Nam tiếp tục mong muốn và luôn luôn đồng hành hỗ trợ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Chúng tôi xác định rằng thành công của các bạn cũng là thành công của Việt Nam…Chính phủ Việt Nam luôn đồng hành cùng các bạn, cùng tháo gỡ khó khăn, coi khó khăn của các nhà đầu tư nước ngoài là khó khăn của chính mình”.

Dẫn câu nói của người xưa, “bạn bè là nghĩa tương thân, khó khăn, thuận lợi ân cần bên nhau”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam một lần nữa khẳng định với các doanh nghiệp: “Chúng ta luôn luôn ở bên nhau” và kết lại phần phát biểu của mình với mong muốn qua diễn đàn này sẽ có rất nhiều cơ hội hợp tác trực tiếp giữa các doanh nghiệp với doanh nghiệp; địa phương với doanh nghiệp; địa phương với địa phương và giữa các ngành với nhau “để chúng ta cùng thấy có thêm nhiều niềm tin vào tương lai phát triển của Việt Nam và tương lai phát triển của chính doanh nghiệp mình và của cả thế giới”.

Minh Vương