Shell cân nhắc bán cổ phần tại mỏ dầu lớn nhất Mỹ lên tới 10 tỷ USD
Công ty dầu mỏ khổng lồ Royal Dutch Shell đang xem xét bán cổ phần của mình tại mỏ dầu lớn nhất ở Mỹ trong lúc công ty sẽ tập trung vào các tài sản dầu khí sinh lời cao nhất và gia tăng các khoản đầu tư ít phát thải carbon, theo các nguồn tin thân cận với vấn đề.
Thương vụ này có thể bao gồm một phần hoặc toàn bộ diện tích khoảng 260.000 mẫu Anh (105.200 ha) của Shell ở lưu vực Permian, chủ yếu nằm ở Texas. Các nguồn tin giấu tên cho biết số cổ phiếu nắm giữ có thể trị giá tới 10 tỷ USD.
CNBC đã xác nhận một cách độc lập rằng thương vụ này không sớm xảy ra, nhưng các cuộc đàm phán với một số người mua tiềm năng vẫn đang diễn ra. Các diện tích được đề cập là một phần của liên doanh với Occidental.
Shell từ chối bình luận về vấn đề này.
Shell là một trong những công ty dầu mỏ lớn nhất thế giới, mà tất cả trong số họ đều phải chịu áp lực từ các nhà đầu tư trong việc giảm đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch để ngăn chặn những thay đổi đối với khí hậu toàn cầu do khí thải carbon gây ra. Shell, BP Plc và TotalEnergies đã cam kết giảm lượng khí thải thông qua tăng cường đầu tư vào năng lượng tái tạo đồng thời thoái một số cổ phần dầu khí.
Hoạt động mua bán và sáp nhập trong lĩnh vực đá phiến hàng đầu của Mỹ đã tăng vọt trong năm ngoái khi một số công ty tìm cách củng cố cổ phần và những công ty khác tìm cách tận dụng giá tăng để bán. Giá dầu giao sau của Mỹ tăng 49% trong năm nay lên gần 72 USD/thùng, cao hơn gấp đôi so với mức thấp nhất năm 2020 do nhu cầu dầu quay trở lại với đại dịch bùng phát.
Đầu năm nay, Shell đã đề ra một trong những chiến lược khí hậu đầy tham vọng nhất của ngành, với mục tiêu cắt giảm ít nhất 6% cường độ carbon trong các sản phẩm của mình vào năm 2023, 20% vào năm 2030, 45% vào năm 2035 và 100% vào năm 2050 so với mức của năm 2016. Tuy nhiên, một tòa án Hà Lan vào tháng trước ra phán quyết rằng nỗ lực của Shell là chưa đủ, yêu cầu Shell giảm lượng khí thải xuống 45% vào năm 2030 so với mức của năm 2019.
Tháng trước, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết trong một báo cáo rằng các khoản đầu tư vào các dự án nhiên liệu hóa thạch mới nên dừng ngay lập tức nếu người tiêu dùng muốn đáp ứng các mục tiêu do Liên hợp quốc hậu thuẫn nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu.
Các tập đoàn dầu mỏ, bao gồm Shell, cho biết thế giới sẽ cần đầu tư mới đáng kể vào dầu và khí đốt trong một số năm tới để đáp ứng nhu cầu về nhiên liệu động cơ và hóa chất.
Sản lượng dầu và khí đốt của Shell ở Permian từ các giàn khoan do công ty vận hành và không vận hành đạt trung bình 193.000 thùng dầu tương đương mỗi ngày vào năm 2020, chiếm khoảng 6% tổng sản lượng của hãng trong năm đó.
Trung Quang