Sẽ tổ chức cuộc họp đặc biệt cấp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN về vấn đề bạo lực tại Myanmar
Trước tình hình bạo lực leo thang tại Myanmar, khối ASEAN sẽ tổ chức cuộc họp đặc biệt cấp Bộ trưởng Ngoại giao các nước thành viên để thảo luận về vấn đề này.
Đây là cuộc họp đầu tiên của các lãnh đạo ngoại giao 10 nước thành viên ASEAN kể từ khi quốc gia thành viên Myanmar rơi vào bế tắc chính trị từ đầu tháng 2 này và tâm điểm của cuộc họp chính là những chia sẻ từ phía đại diện của chính quyền quân sự Myanmar.
Được biết do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên cuộc họp sẽ diễn ra theo hình thức phối hợp cả trực tuyến và trực tiếp. Phiên họp trực tiếp được tổ chức tại Thủ đô Jakarta của Indonesia – nơi đặt trụ sở của Ban Thư ký ASEAN. Văn phòng Nhân quyền Liên Hợp Quốc cho biết quyết định tổ chức cuộc họp đặc biệt được đưa ra ngay sau cuộc biểu tình đẫm máu ở Myanmar khiến ít nhất 18 người chết và 30 người bị thương. Trong khi đó một nguồn tin cho hay trong “ngày đẫm máu” này có đến hơn 26 người đã thiệt mạng
Trước cuộc xung đột đang lên đến đỉnh điểm tại xứ Chùa Vàng, ông Vivian Balakrishnan – Ngoại trưởng Singapore kêu gọi kêu gọi chính quyền quân sự Myanmar hãy dừng ngay lập tức việc sử dụng bạo lực gây chết người cũng như thực hiện các giải pháp ôn hòa nhằm tránh tình trạng bạo lực và thương vong tiếp tục xảy ra. “Các bên cũng nên bình tĩnh ngồi lại với nhau để cùng thảo luận tìm ra giải pháp chính trị lâu dài, bao gồm phương án quay lại con đường chuyển đổi dân chủ. Và điều này chỉ có thể trở thành hiện thực nếu Tổng thống Win Myint, Cố vấn Nhà nước kiêm Ngoại trưởng Aung San Suu Kyi và những tù nhân chính trị khác được trả tự do” – ông Vivian Balakrishnan nhấn mạnh.
Trước đó Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cũng đã có cuộc họp với Ngoại trưởng Thái Lan Don Pramudwinai và Ngoại trưởng Myanmar Wunna Maung Lwin để thảo luận về tình hình căng thẳng tại xứ sở Chùa Vàng. Dưới sự giúp đỡ của các nước thành viên ASEAN, thời gian qua Indonesia đã rất nỗ lực trong việc giải quyết khủng hoảng tại Myanmar. Tuy nhiên sự nhiệt tình của Indonesia lại khiến giới hoạt động dân chủ Myanmar lo ngại những cuộc tiếp xúc như vậy sẽ hợp pháp hóa chính quyền quân sự và loại bỏ cuộc bầu cử mà đảng của bà Suu Kyi đã giành chiến thắng.
Bất chấp sự đàn áp của chính quyền quân sự, người dân Myanmar vẫn tiếp tục tràn ra đường biểu tình. Để giải tán đám đông, lực lượng cảnh sát Myanmar đã phải sử dụng lựu đạn gây choáng và hơi cay song tính đến thời điểm hiện tại vẫn chưa rõ có thêm trường hợp thương vong nào xảy ra.
Quang Thanh