Sẽ nhập khẩu lợn sống để hạ giá lợn hơi trong nước

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến vừa ký công văn trả lời Cục Thú y về việc cho phép nhập khẩu lợn sống từ các nước vào Việt Nam.

Sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, việc kiểm dịch nhập khẩu lợn sống từ các nước vào Việt Nam sẽ được thực hiện theo đúng quy định và trình tự hiện hành.

Theo đó, trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc ổn định giá thịt lợn tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá quý I/2020; xét công văn số 807/TY-HTQT của Cục Thú y về việc nhập khẩu lợn sống từ các nước vào Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng ý phương án Cục Thú y phân tích rủi ro nhập khẩu lợn sống dựa trên hồ sơ do các nước xuất khẩu cung cấp.

Sau khi hoàn thành bước đánh giá hồ sơ, Cục Thú y phối hợp với các doanh nghiệp nhập khẩu liên hệ và tổ chức họp trực tuyến với cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu. Qua đó trao đổi về những vướng mắc, thu thập các thông tin còn thiếu nhằm hoàn thiện quá trình phân tích rủi ro nhập khẩu, thỏa thuận điều kiện vệ sinh thú y và mẫu giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu.

Các doanh nghiệp nhập khẩu lợn sống phải tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành về kiểm dịch nhập khẩu, đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn gia súc trong nước. Thực hiện quy định cách ly kiểm dịch lợn sống nhập khẩu 30 ngày.

Đây là lần đầu tiên nước ta cho phép nhập khẩu chính ngạch lợn sống. Việc cho phép nhập khẩu cả lợn sống là do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, giá lợn hơi và giá thịt lợn trong nước liên tục tăng ở mức cao. Thực tế, thời gian qua, Việt Nam đã nhập khẩu thịt lợn đông lạnh, nhưng nhiều người tiêu dùng vẫn có thói quen lựa chọn thịt nóng (thịt ngay sau giết mổ) cho các bữa ăn.

Từ đầu năm đến nay, nhiều doanh nghiệp cũng đã tăng cường nhập khẩu lợn cấp bố mẹ, cụ kị, ông bà để bổ sung nguồn cung giống trong nước. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết sẽ tạo điều kiện thuận lợi tối đa để tăng cường nhập khẩu lợn giống nhằm phục vụ tăng đàn và tái đàn.

Hiện nay người chăn nuôi rất muốn tái đàn nhưng không dễ vì lợn hậu bị (nuôi để sinh sản) có giá khoảng từ 13 – 16 triệu đồng/con. Lợn con có giá tăng cao kỷ lục, loại lợn con 6 kg/con có giá từ 3 – 3,6 triệu đồng/con. Tuy giá cao nhưng không phải người nuôi muốn có lợn ngay là có thể mua được.

Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, tính đến hết tháng 4/2020, tổng đàn lợn nái cả nước đạt trên 2,86 triệu con, tăng hơn 100.000 con so với cuối năm 2019. Theo số liệu thống kê, đàn lợn nái năm 2015 là 4 triệu con, cao nhất năm 2016 là trên 4,2 triệu con, các năm 2017 và 2018 ổn định xung quanh 4 triệu con.

Đến năm 2019, do dịch tả lợn Châu Phi đàn nái giảm mạnh còn trên 2,72 triệu con (theo báo cáo từ các địa phương). Trong đó, đàn nái cụ kỵ và ông bà tương đối ổn định qua nhiều năm, mặc dù năm 2019 dịch tả lợn Châu Phi nhưng đàn nái cụ kỵ và ông bà vẫn giữ được khoảng 109.000 con (chỉ giảm 9% tương đương 11.000 con). Đây là đàn nái quyết định việc sản xuất giống bố mẹ và sản xuất con giống cho sản xuất, dự kiến tăng trưởng đàn nái năm 2020 là 0,5%/tháng (6%/năm).

Tính đến hết tháng 4/2020, theo báo cáo của các địa phương, tổng đàn nái của cả nước là gần 2,86 triệu con, tăng 5% so với cuối 2019, đạt trên 90% so với kế hoạch của Quý II/2020 (trong đó có 115.000 con cụ kỵ, ông bà). Cùng với đàn nái, đến tháng 4/2020, cả nước có trên 64.000 con lợn đực giống, đủ để sản xuất tinh và phối giống cho tổng đàn nái.

Với đàn lợn cụ kỵ, ông bà hiện tại, Cục Chăn nuôi tính toán và dự báo đến cuối năm 2020 tổng đàn nái của Việt Nam sẽ tăng lên 3 triệu con, tổng đàn lợn khoảng 29 – 30 triệu, qua đó từng bước hạ nhiệt và ổn định cung, cầu thịt lợn.

Thu Huyền