Sau lúa gạo, đã đến lúc xây thương hiệu quốc gia cho cá tra và tôm
Mới đây tại Tp.HCM, Hiệp hội Chế biến&Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) và Cơ quan Hợp tác phát triển Đức (GIZ) đã phối hợp tổ chức Đối thoại bàn tròn thủy sản với chủ đề “Nâng cao giá trị sản phẩm thủy sản nuôi trồng”.
Sản phẩm tôm của Việt Nam xuất khẩu đi 100 thị trường, chiếm 12-15% thị phần thế giới. Ảnh: TC.
Tại đây vấn đề xây dựng thương hiệu quốc gia cho cá tra và tôm đã được các đại biểu đem ra thảo luận hết sức sôi nổi. Theo đó năm 2019, toàn ngành thủy sản sẽ dồn lực xây thương hiệu quốc gia cho hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực này nhằm gia tăng giá trị cho ngành.
Như vậy sau thương hiệu quốc gia cho mặt hàng lúa gạo (dự kiến công bố tại Festival lúa gạo 2018 tại Long An vào cuối tháng 12 này), Việt Nam sẽ tiến thêm một bước nữa với việc tập trung xây dựng thương hiệu quốc gia cho cá tra, tôm.
Theo VASEP, Việt Nam xuất khẩu thủy sản sang 160 thị trường và hiện đứng thứ 3 thế giới về kim ngạch xuất khẩu (chỉ sau Trung Quốc, Na Uy). Năm 2018 này, dự kiến xuất khẩu tôm sẽ cán đích 3,8 tỉ USD, còn cá tra đạt kim ngạch 2,2 tỉ USD. Đây cũng là lần đầu tiên xuất khẩu cá tra vượt mốc 2 tỉ USD. Tính về thị phần, Việt Nam đang là nước đứng vị trị số 1 về cá tra, thứ 2 về tôm trên thế giới nhưng tính cho các mặt hàng thủy sản lại đứng thứ 3 (sau Trung Quốc với sản phẩm cá rô phi, Na Uy với sản phẩm cá hồi)
Liên quan đến hoạt động xây dựng thương hiệu quốc gia cho hai sản phẩm chủ lực của ngành thủy sản, ông Trương Đình Hòe – Tổng Thư ký VASEP cho biết trong thời gian qua, VASEP và cộng đồng doanh nghiệp cũng đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp hữu hiệu xoay quanh việc đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường và quảng bá hình ảnh thủy sản Việt Nam nói chung, sản phẩm cá tra và tôm nói riêng.
Còn theo bà Trương Thị Lệ Khanh – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vĩnh Hoàn, Chủ tịch Ủy ban cá nước ngọt của VASEP, vấn đề thương hiệu rất quan trọng đối một ngành hàng xuất khẩu, đặc biệt lại là thuỷ sản – ngành hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta. “Tuy nhiên để xây dựng thương hiệu quốc gia cho cá tra và tôm, một doanh nghiệp không thể làm được mà phải có sự hỗ trợ từ nhiều phía. Bên cạnh việc sớm hình thành quỹ phát triển thị trường, quảng bá thương hiệu; bản thân các doanh nghiệp thuỷ sản Việt cũng phải chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của các nước nhập khẩu. Có như vậy thì thương hiệu thuỷ sản Việt Nam mới càng được khẳng định và toả sáng trên trường quốc tế” – bà Khanh khuyến nghị.
Nguyễn Cường