Sau hạ trần lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất OMO
Ngày 26/11, hoạt động đấu thầu cho vay qua kênh cầm cố trên thị trường mở (OMO) ghi nhận đã có thành viên đầu tiên tiếp cận nguồn hỗ trợ lớn từ Ngân hàng Nhà nước. Đây là tin vui cho các ngân hàng thương mại trong bối cảnh thị trường tạm vắng nguồn tiền lớn…
Trước đó, trao đổi với báo chí, lãnh đạo một ngân hàng thương mại cho biết theo Thông tư số 58/2019/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về quản lý và sử dụng tài khoản của Kho bạc Nhà nước mở tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các ngân hàng thương mại, toàn bộ nguồn tiền gửi thanh toán của Kho bạc Nhà nước hiện nay đang nằm tại các ngân hàng thương mại phải đổ về tài khoản tổng hợp của Kho bạc Nhà nước tại Trung ương và tài khoản này tập trung tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nướ. Sau khi nguồn tiền gửi thanh toán của Kho bạc Nhà nước kết chuyển về Ngân hàng Nhà nước, thị trường sẽ tạm vắng một nguồn vốn có giá trị điều hòa thanh khoản hệ thống quen thuộc từ trước tới nay. Lúc bấy giờ, Ngân hàng Nhà nước sẽ thể hiện và phát huy hơn nữa vai trò điều tiết của mình; trong đó OMO chính là kênh hỗ trợ, dẫn nguồn chủ yếu hiện nay.
Đó là lý do các ngân hàng thương mại đặt kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất OMO xuống, sau khi hạ trần lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay như vừa qua.
Đến ngày 26/11, kỳ vọng của các ngân hàng thương mại đã chính thức được Ngân hàng Nhà nước đáp ứng. Kết quả đấu thầu thị trường mở đã xuất hiện nguồn tiền lớn lên tới 23.333,5 tỷ đồng từ nhà điều hành cho vay ra hỗ trợ.
Điểm đáng chú ý là lãi suất cho vay đã giảm mạnh xuống chỉ còn 4%/năm so với trước đây (4,5%/năm). Lãi suất OMO giảm xuống sẽ giúp các ngân hàng thương mại giảm bớt chi phí và qua đó gián tiếp giảm thiểu áp lực đối với lãi suất cho vay doanh nghiệp và dân cư. Giá trị chi phí đó bước đầu khá mở rộng, khi có 8 tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ trong phiên dấu ấn này.
Ngọc Hạnh