Sau châu Âu, các hãng xe điện Trung Quốc tiếp tục tham vọng bành trướng tại Nhật Bản
Với lợi thế giá rẻ, công nghệ hiện đại, mẫu mã đa dạng, vẻ ngoài bóng bẩy, bắt mắt…, các hãng xe điện Trung Quốc đang mạnh mẽ tiến công vào thị trường Nhật Bản, sau khi đã chinh phục thành công thị trường khổng lồ châu Âu.
Cụ thể SAIC Motor (trụ sở tại Thượng Hải) đang làm mưa làm gió tại Anh với thương hiệu MG mà hãng mua lại vào năm 2007. Tính đến tháng 11/2021, thị phần của MG tại Anh là 1,9%, vượt qua cả Honda Motor và Mazda Motor.
Riêng trong 11 tháng năm 2021, doanh số bán xe của MG đã tăng tới 73% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản phẩm mới nhất của hãng là chiếc ZS EV có phạm vi lái 440 km mỗi lần sạc với giá dao động khoảng 35.000 euro (39.590 USD). Mức giá hấp dẫn giúp ZS EV trở nên vượt trội hơn nhiều so với xe của các đối thủ cạnh tranh đến từ châu Âu như Volkswagen, Peugeot. Chỉ sau chưa đầy 3 năm thâm nhập thị trường châu Âu, SAIC đã xây dựng thành công một mạng lưới bán hàng trải dài khoảng 400 địa điểm tại 16 quốc gia.
Ngoài MG, các thương hiệu xe điện khác của Trung Quốc như Polestar của Zhejiang Geely Group hay NIO cũng đang rất được ưa chuộng tại thị trường châu Âu và các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc cũng đã lấy xu hướng dùng xe điện tại châu Âu làm cơ hội phát triển của mình. Thống kê cho thấy trong quý III/2021, xe điện chiếm khoảng 13% tổng doanh số bán xe mới tại 18 thị trường trọng điểm của châu Âu.
Còn theo Công ty nghiên cứu MarkLines, trong 10 tháng đầu năm 2021, tổng số xe điện được bán tại 17 quốc gia Tây Âu là khoảng 900.000 chiếc; trong số này có vài nghìn chiếc là của các hãng xe Trung Quốc. Trong khi xe chạy xăng thất bại hoàn toàn thì xe điện Trung Quốc lại sớm gặt hái thành công vang dội tại thị trường châu Âu, trong đó các dòng xe của MG và NIO đã được Chương trình Đánh giá xe mới của châu Âu xếp hạng an toàn 5 sao.
Sau khi gặt hái thành công tại châu Âu, xe điện Trung Quốc tiếp tục thực hiện tham vọng bành trướng của mình khi mở rộng thâm nhập vào Nhật Bản. Cụ thể Tập đoàn FAW của Trung Quốc đang nhắm đến thị trường ôtô điện Nhật Bản khi chuẩn bị tung mẫu SUV chạy điện cao cấp tại xứ Phù Tang vào năm tới với giá ít nhất 11 triệu yen (96.700 USD) chưa bao gồm thuế, có khả năng di chuyển đến 690 km sau một lần sạc. Mẫu xe này cũng đang được xuất khẩu sang châu Âu. Ngoài ra FAW cũng có kế hoạch tung ra một phiên bản SUV hybrid dưới thương hiệu Hồng Kỳ trước khi giới thiệu mẫu xe hoàn toàn bằng điện vào mùa hè 2022.
Để thực hiện chiến lược chinh phục thị trường Nhật Bản, FAW đã thành lập đại lý đầu tiên ở phía trước ga JR Namba – thành phố Osaka; đồng thời đang xem xét việc mở một cửa hàng ở Tokyo vào năm 2022, trước khi mở rộng sang các thành phố khác.
Ngoài FAW, một hãng xe khác đến từ Trung Quốc là BYD cũng đã bắt đầu bán xe điện tại Nhật Bản với những chiếc sedan hạng trung 5 chỗ ngồi có giá khoảng 3,85 triệu yen và người mua sẽ nhận được một khoản trợ cấp dành cho xe điện của chính phủ với mức giảm khoảng 400.000 yen/chiếc. BYD đang xem xét thành lập một bộ phận mới tại Nhật Bản và nhiều đại lý bán hàng tại các thành phố lớn.
Có thể thấy rõ tham vọng của các công ty Trung Quốc là gây được tiếng vang như các thương hiệu ôtô Nhật Bản, Hàn Quốc đã từng làm ở thị trường nước ngoài. Và để thực hiện tham vọng này, họ chọn chiến lược thâm nhập bằng xe điện với hiệu suất cao, mẫu mã đa dạng, vẻ ngoài bóng bẩy, bắt mắt nhưng giá thành lại rất cạnh tranh.
Mặc dù Nhật Bản là cái nôi của ngành ôtô song các nhà sản xuất ôtô nước này đã không không nhanh nhạy, linh hoạt đáp ứng nhu cầu thị trường, từ đó vô hình chung đã tạo cơ hội cho các đối thủ ngoại chiếm lĩnh thị phần. Các công ty Trung Quốc đã bán một số xe điện để sử dụng cho mục đích thương mại tại Nhật Bản. Các tập đoàn hậu cần lớn của Nhật Bản như Sagawa Express và SBS Holdings cũng đã quyết định nhập khẩu xe điện thương mại từ Trung Quốc khi họ thúc đẩy cắt giảm khí thải nhà kính trong quá trình giao hàng. Cùng với ô tô điện, Trung Quốc cũng đã bắt đầu xuất khẩu xe buýt và xe tải điện.
Việt Lê