Sắp diễn ra Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên Kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ đối tác đối thoại ASEAN-EU

Năm 2022 đánh dấu 45 năm thiết lập quan hệ đối tác đối thoại giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Liên minh châu Âu (EU). Để thắt chặt hơn mối quan hệ chiến lược này, các quốc gia thuộc hai khối dự định tổ chức hội nghị thượng đỉnh toàn thể đầu tiên vào ngày 14-15/12/2022 tại Brussels (Bỉ). Hội nghị càng có ý nghĩa hơn đặt trong bối cảnh có những lo ngại về các mối đe dọa an ninh trong khu vực cũng như trên thế giới

 Theo một quan chức EU, chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-EU đầu tiên sẽ dành ưu tiên cho nỗ lực phục hồi kinh tế sau đại dịch; tác động của cuộc chiến Nga-Ukraine, các cuộc khủng hoảng lương thực, năng lượng cùng một loạt những tác động tiêu cực khác lên nền kinh tế toàn cầu và khu vực.  Đặc biệt các vấn đề an ninh sẽ là một phần quan trọng trong các cuộc thảo luận vì Brussels muốn thấy các quốc gia Đông Nam Á có lập trường rõ ràng hơn đối với cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.

Việc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-EU đầu tiên là một dấu hiệu cho thấy cả hai khối đều muốn có mối quan hệ chặt chẽ hơn trong bối cảnh có những lo ngại ngày càng tăng về các nguy cơ an ninh từ Trung Quốc, Nga và những tác động của căng thẳng giữa Bắc Kinh với Washington. Động thái này tiếp nối vào “sự xoay trục” của Mỹ sang châu Á do Tổng thống Obama khởi xướng, giữa lúc Đông Nam Á ngày càng được chú ý đến do nằm trên các tuyến đường thương mại chiến lược và sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên hết sức dồi dào.

Năm 2022 đánh dấu 45 năm thiết lập quan hệ đối tác đối thoại giữa ASEAN và EU. Dựa trên các giá trị và lợi ích chung, cũng như việc nâng tầm quan hệ lên đối tác chiến lược vào tháng 12/2020, hợp tác giữa ASEAN và EU ngày càng toàn diện, năng động trên tất cả các lĩnh vực quan trọng, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng của hai khu vực. Không chỉ là đối tác thương mại lớn, EU còn là nhà tài trợ, viện trợ rất quan trọng, trong nỗ lực chung thúc đẩy xây dựng thể chế và quản trị. Trong đại dịch Covid-19, EU đã dành một gói viện trợ lớn trị giá lên đến hơn 800 triệu euro để giúp đỡ các quốc gia Đông Nam Á vượt qua khó khăn.

Năm 2012, EU trở thành tổ chức khu vực đầu tiên gia nhập Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á. Đây được coi là một bước ngoặt mới trong cam kết chính trị và an ninh của EU với khu vực. Gần đây nhất năm 202, EU công bố chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, bao gồm các vấn đề chính mà EU muốn thúc đẩy trong khu vực. Ngoài ra EU cũng bày tỏ mong muốn được tham gia vào diễn đàn chiến lược hàng đầu của ASEAN, Hội nghị thượng đỉnh Đông Nam Á song vẫn chưa nhận được sự đồng thuận từ các quốc gia thành viên ASEAN.

Thông qua Hội nghị cấp cao Kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ đối tác đối thoại, cả ASEAN và EU đều hy vọng trên cơ sở quan hệ đối tác chiến lược, trong thời gian tới hợp tác giữa hai khối sẽ tiếp tục thu được những kết quả toàn diện và thực chất hơn, vì lợi ích chung của cả hai khu vực.

Trúc Anh