Sắp ban hành Thông tư quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong RCEP
Ngày 15/11/2020, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) chính thức được ký kết với sự tham gia của 10 quốc gia thành viên ASEAN và 5 nước đối tác (Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand). Để chuẩn bị cho việc thực thi Hiệp định, Bộ Công Thương đã soạn thảo dự thảo Thông tư quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong RCEP và đang lấy ý kiến đóng góp từ phía doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế.

Một khu vực thương mại tự do khổng lồ sắp hình thành
Hợp tác dựa trên “kiềng ba chân” gồm thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ và thương mại điện tử, RCEP được coi là động lực tăng trưởng mới cho thương mại quốc tế. Với vai trò, tầm quan trọng như vậy, việc ký kết RCEP không chỉ tạo ra một khu vực thương mại tự do rộng lớn mà còn góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ quá trình phục hồi nền kinh tế khu vực sau đại dịch COVID-19.
Trong giai đoạn tới, RCEP tiến tới loại bỏ ít nhất 92% dòng thuế nhập khẩu giữa các quốc gia ký kết trong vòng 20 năm (2020 – 2040), thiết lập các quy tắc mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho lĩnh vực thương mại điện tử và quyền sở hữu trí tuệ, đưa ra quy định mạnh mẽ hơn về thương mại dịch vụ và đầu tư nước ngoài xuyên biên giới. RCEP được thiết kế nhằm cắt giảm chi phí và thời gian cho các doanh nghiệp khi xuất khẩu hàng hóa sang bất kỳ quốc gia nào đã ký kết thỏa thuận mà không cần đáp ứng các yêu cầu riêng biệt của từng quốc gia.
Xoay quanh tiến trình phê chuẩn Hiệp định RCEP, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết theo quy định, RCEP sẽ chính thức có hiệu lực sau 60 ngày kể từ thời điểm có ít nhất 6 nước ASEAN và 3 nước đối tác hoàn tất thủ tục phê duyệt, phê chuẩn hiệp định và nộp lưu chiểu văn kiện phê duyệt, phê chuẩn của mình tới cơ quan lưu chiểu (Tổng Thư ký ASEAN). Hiện Việt Nam đang hoàn tất các bước cuối cùng và rất hy vọng tham gia vào nhóm nước đầu tiên phê chuẩn hiệp định, dự kiến có thể hoàn thành phê duyệt Hiệp định RCEP trước tháng 11/2021. Nếu đến ngày 31/10/2021 có đủ 6 nước ASEAN và thêm một nước đối tác nữa trong số 3 nước: Hàn Quốc, New Zealand và Australia hoàn thành phê chuẩn thì hiệp định sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2022.
Để thực thi RCEP, Bộ Công Thương đã soạn thảo dự thảo Thông tư quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định RCEP. Cụ thể, liên quan đến giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, dự thảo nêu rõ, giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa được phát hành bởi tổ chức cấp của nước thành viên xuất khẩu, dựa trên đơn đề nghị của nhà xuất khẩu, nhà sản xuất hoặc người đại diện của nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất. Nhà xuất khẩu, nhà sản xuất hoặc người đại diện của nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất nộp đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa bằng bản viết hoặc điện tử cho tổ chức cấp của nước thành viên xuất khẩu theo quy định nội luật của nước thành viên xuất khẩu.
Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa phải có một mẫu chung được thống nhất bởi các nước thành viên; có số tham chiếu cụ thể, có chữ ký và con dấu của tổ chức cấp của nước thành viên xuất khẩu (chữ ký và con dấu có thể bằng tay hoặc bằng điện tử). Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa phải thể hiện bằng tiếng Anh và có giá trị trong vòng 1 năm kể từ ngày phát hành.
Về kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa, dự thảo quy định, cơ quan có thẩm quyền của nước thành viên nhập khẩu có thể tiến hành kiểm tra, xác minh theo 5 phương thức: gửi thư đề nghị yêu cầu nhà nhập khẩu cung cấp thêm thông tin; gửi thư đề nghị yêu cầu nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất cung cấp thêm thông tin; gửi thư đề nghị cho tổ chức cấp hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước thành viên xuất khẩu cung cấp thêm thông tin; kiểm tra thực tế cơ sở sản xuất của nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất tại nước thành viên xuất khẩu bằng việc quan sát quá trình sản xuất sản phẩm và kiểm tra các chứng từ, tài liệu chứng minh xuất xứ của hàng hóa bao gồm các dữ liệu kế toán; bất kỳ cơ chế nào mà các nước thành viên thoả thuận.
Cơ quan hải quan của nước thành viên nhập khẩu có thể tạm ngừng cho hưởng ưu đãi thuế quan trong khi chờ kết quả xác minh. Nước thành viên nhập khẩu sẽ cho phép thông quan hàng hóa nhưng có thể yêu cầu việc thông quan cần tuân thủ theo quy định nội luật.
Doanh nghiệp cần có chiến lược cụ thể
Có thể thấy trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế cũng như gây gián đoạn chuỗi cung ứng khu vực, gây ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu cùng với xu hướng bảo hộ mậu dịch đang nổi lên, Hiệp định RCEP được kỳ vọng sẽ trở thành đòn bẩy thúc đẩy tăng trưởng thương mại và đầu tư trong khu vực, góp phần quan trọng vào quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Theo ông Lương Hoàng Thái – Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), Hiệp định RCEP khi được 15 thành viên thực thi sẽ tạo nên một thị trường lớn với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, với GDP xấp xỉ 26,2 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu và trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới.
Với các cam kết về mở cửa thị trường trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và hài hòa hóa quy tắc xuất xứ giữa tất cả các bên tham gia cũng như tăng cường các biện pháp tạo thuận lợi thương mại, việc thiết lập Hiệp định này sẽ tạo cơ hội để phát triển các chuỗi cung ứng mới trên toàn cầu và trong khu vực vốn đang gánh chịu tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19. Quan trọng hơn, việc hình thành một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới theo Hiệp định RCEP tạo ra một thị trường xuất khẩu ổn định dài hạn cho Việt Nam, qua đó góp phần thực hiện chính sách xây dựng nền sản xuất định hướng xuất khẩu.
Tuy nhiên để khai thác triệt để và hiệu quả các lợi ích do Hiệp định RCEP mang lại không phải là chuyện “một sớm một chiều”. Ông Trịnh Minh Anh – Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam cần nghiên cứu kỹ cam kết của Hiệp định, nhất là các cam kết liên quan đến lĩnh vực kinh doanh của mình; đồng thời phải vạch rõ 2 chiến lược cụ thể. Về ngắn hạn, các doanh nghiệp phải chuẩn bị cho mình chiến lược phòng thủ. Theo đó, doanh nghiệp cần củng cố thị trường trong nước, nâng cao chất lượng mặt hàng, nhận diện thương hiệu của mình chuẩn xác. Với chiến lược tấn công, doanh nghiệp phải xây dựng kế hoạch mở cửa thị trường, thậm chí thị trường quen với mặt hàng có lợi thế; đồng thời chủ động nắm bắt và chuẩn bị trước các tác động bất lợi mà Hiệp định RCEP gây ra, nhất là việc gia tăng cạnh tranh ngay tại thị trường nội địa.
Huy Hoàng