Sản xuất nông nghiệp tại Đồng bằng Sông Cửu Long phải chuyển từ số lượng sang chất lượng
Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) đang đứng trước ngưỡng tới hạn của mô hình sản xuất nông nghiệp kiểu cũ nếu không nhanh chóng, kịp thời chuyển đổi mô hình sản xuất thì nguy cơ tiếp tục tụt hậu là điều khó tránh khỏi.
Đó là lưu ý của Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: Tiến sỹ Vũ Tiến Lộc tại Diễn đàn Mekong Connect 2020 với chủ đề “Đưa sản phẩm dịch vụ Đồng bằng sông Cửu Long vào chuỗi giá trị toàn cầu” diễn ra vào ngày 21/12 tại TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.
Theo TS Lộc: Báo cáo Kinh tế Thường niên đồng bằng sông Cửu Long năm 2020 công trình nghiên cứu hợp tác bởi VCCI và Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright (FSPPM) cho biết: Trong thập niên qua, ĐBSCL đang đứng trước những thách thức lớn từ bên ngoài của biến đổi khí hậu như hạn mặn, sạt lở, ngập lụt và ô nhiễm môi trường gia tăng… đến các vấn đề bên trong như chất lượng tăng trưởng giảm sút, lực lượng và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp chưa cao, cấu trúc kinh tế chưa thực sự ổn định, chất lượng nguồn nhân lực hạn chế, năng suất lao động thấp, tình trạng di dân gia tăng… là những ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế xã hội mà ĐBSCL đang và sẽ phải đối mặt. Bên cạnh đó hạ tầng cơ sở mặc dù được đầu tư tương đối nhưng cơ cấu đầu tư chưa giải quyết được điểm nghẽn, nhất là giao thông kết nối. Thiếu quy hoạch đồng bộ và Logistics yếu kém dẫn đến sự gia tăng chi phí trong các khâu của chuỗi giá trị sản xuất, giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp và kinh tế toàn vùng.
Về mặt xã hội, chất lượng giáo dục không theo kịp các vùng miền khác, tỷ lệ học sinh THCS, THPT bỏ học cao, tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp. Lợi thế của các tỉnh Tây Nam bộ là địa hình, thổ nhưỡng, điều kiện khí hậu ôn hòa… nay đã không còn nữa do tác động từ thiên tai và con người khai thác quá mức. Những thế mạnh khác trước đây đã tạo được qua nỗ lực cải cách, cải thiện trong công tác điều hành kinh tế địa phương nay cũng đang mất dần so với các vùng kinh tế khác. Những thách thức và hạn chế trên đang đẩy vùng đồng bằng này vào tình thế hết sức nan giải rất cần một nghiên cứu chuyên sâu và toàn diện.
Những kết luận rút ra từ nghiên cứu này là hơn ba thập kỷ qua, mô hình kinh tế truyền thống tập trung vào sản xuất nông nghiệp thay vì kinh tế nông nghiệp, số lượng thay vì chất lượng, manh mún hơn là tích tụ ruộng đất, phân mảnh thay vì liên kết thành chuỗi cung ứng… Mặc dù ĐBSCL đã thành công trong việc thoát đói, giảm nghèo, nhưng vùng đất này vẫn chưa đem lại được sự thịnh vượng cho phần lớn người dân của mình. Từ những kết luận và tìm ra nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, báo cáo nghiên cứu đưa ra những khuyến nghị mang tính tổng kết, đặc biệt gợi ý mô hình phát triển mới cho kinh tế ĐBSCL với 15 luận điểm mang đến những góc nhìn mới để định hình lại câu chuyện phát triển kinh tế ĐBSCL.
“Trong nguy có cơ: những thách thức của ĐBSCL sẽ được biến thành cơ hội nếu có mô hình tăng trưởng mới sẽ có động lực phát triển. Sản xuất nông nghiệp cần chuyển đổi từ cạnh tranh số lượng sang chất lượng; thay đổi từ nền sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang tích tụ ruộng đất, ứng dụng KHCN, đưa cơ giới vào sản xuất, chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp đơn thuần sang kinh tế nông nghiệp” Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Đồng quan điểm trên, ông Lê Minh Hoan Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng: Trung Quốc có 10 triệu nông dân trồng nắm từ rơm, rạ, lục bình, bả mía, bả bắp với doanh thu 17 tỷ USD, nếu ta chỉ làm được 10% của họ thì đã giải quyết được hàng triệu lao động với doanh thu 1,7 tỷ USD xem như đã giải quyết được việc làm cho hàng triệu người ly hương theo báo cáo thường niên do VCCI và ĐH Fulbright vừa công bố. Nói như thế để cho thấy khu vực này còn nhiều dư địa để phát triển.
Ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Euro Cham cho biết: sau khi EVFTA có hiệu lực sẽ mở ra cơ hội cho nông sản Việt Nam xâm nhập thị trường này. EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, giúp giảm bớt hàng rào thuế quan với 71% tổng giá trị hàng Việt Nam xuất sang EU. Trong vòng một thập niên tới, con số này sẽ lên đến 99%. Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội thì thị trường EU đòi hỏi các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và các sản phẩm lưu thông trên thị trường 450 triệu dân này phải đáp ứng tiêu chuẩn của khối EU về truy xuất nguồn gốc, kiểm dịch, vệ sinh và phát triển bền vững. “Nhưng đáp ứng được các tiêu chuẩn này, doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiến xa hơn và củng cố vị trí, gia tăng giá trị trong chuỗi cung ứng thực phẩm”, ông Minh nói.
Theo Ban tổ chức: Diễn đàn Mekong Connect 2020 năm nay có sự tham gia của 700 chủ doanh nghiệp, CEO, CFO, giám đốc các bộ phận, quản lý cấp trung các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ, xuất nhập khẩu, các startup muốn phát triển sản phẩm từ nguồn tài nguyên địa phương, các doanh nghiệp muốn phát triển thị trường, các nhà mua hàng quốc tế…
Tại Diễn đàn này, đại diện Trung tâm xúc tiến thương mại-đầu tư 4 địa phương: An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp đã ký kết hợp tác kết nối thương mại, Đồng thời cũng ký kết cùng BSA thực hiện Chương trình Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Dịp này BTC diễn đàn cũng đã trao chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao cho 16 doanh nghiệp.
Thu Thảo