Sàn giao dịch nông sản sạch Gcaeco – Lời giải cho bài toán “được mùa mất giá”, “giải cứu” nông sản
Bên cạnh những “ông lớn” như Tiki, Lazada, Shopee, Adayroi,…, mới đây thị trường thương mại điện tử Việt Nam lại chào đón thêm một gương mặt mới triển vọng: Sàn thương mại điện tử Gcaeco.vn. Điểm đặc biệt là Gcaeco chỉ tập trung vào việc trao đổi mua bán sản phẩm nông sản cũng như các thực phẩm đã qua chế biến.
Ông Đoàn Xuân Huy – CEO Sàn thương mại điện tử Gcaeco cho biết ý tưởng ra đời của sàn thương mại điện tử này xuất phát từ những trăn trở của ông trước vòng lẩn quẩn “được mùa mất giá, được giá mất mùa”,”giải cứu” nông sản đầy nhức nhối của ngành nông nghiệp nước nhà. “Mặc dù biết rõ lĩnh vực thương mại điện tử là sân chơi của nhiều “ông lớn” song trong tôi vẫn không ngừng nuôi hy vọng sẽ xây dựng một sàn giao dịch riêng cho nông nghiệp sạch; nhất là trong bối cảnh điệp khúc “giải cứu” nông sản liên tục xảy ra ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Tôi muốn tạo lập một sân chơi riêng nơi người sản xuất nông sản có thể tự kết nối với người tiêu dùng mà không cần qua các khâu trung gian, qua đó giúp tiết kiệm tối đa chi phí mua bán. Cao hơn nữa là xuất khẩu nước ngoài nếu nhu cầu trong nước không sử dụng hết” – ông Huy chia sẻ.
Gcaeco tích hợp công nghệ Blockchain phục vụ chuỗi cung ứng nông nghiệp, thực phẩm sạch toàn cầu. Với các đặc tính minh bạch, an toàn, bảo mật, bất biến, không thể làm giả của công nghệ Blockchain, Gcaeco giúp người dùng hoàn toàn có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm từ nhật kí canh tác đến quá trình vận chuyển, góp phần giải bài toán thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tràn lan trên thị trường hiện nay. Thêm vào đó vì không phải qua bất kỳ khâu trung gian nào nên người dùng có thể mua được các mặt hàng nông sản có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng với mức giá chỉ tương đương với hàng ngoài chợ.
Với dân số khoảng 97 triệu người, trong đó có khoảng 58 triệu người sử dụng Interner, thị trường thương mại điện tử Việt Nam luôn được xếp vào top có tốc độ tăng trưởng hàng đầu khu vực.
Nếu vẫn giữ nhịp độ phát triển trung bình vào khoảng 33%/năm, dự kiến giá trị thương mại điện tử Việt Nam sẽ đạt mốc 106.000 tỉ đồng trong năm 2022, tương đương với khoảng 4,6 tỉ USD.
Các sản phẩm trên sàn Gcaeco được phân chia theo 4 cấp độ: cấp độ 1 phổ thông (không cần giấy tờ chứng nhận tất cả mọi người đều đăng bán được); cấp độ 2 tiêu chuẩn Việt Nam (người bán bắt buộc phải cung cấp giấy tờ liên quan, ví dụ như chứng nhận Vietgap); cấp độ 3 truy xuất nguồn gốc; cấp độ 4 xuất khẩu. Tuy nhiên hiện nay đa phần các sản phẩm trên Gcaeco mới dừng ở cấp độ 1 và 2 do sàn thương mại điện tử này vẫn đang ở giai đoạn khởi động, bắt đầu phát triển người dùng. Ở thời điểm hiện tại, Gcaeco vẫn đang miễn phí giao dịch với người bán; sau 1 năm nữa đơn vị mới tính đến chuyện phân chia doanh thu với các doanh nghiệp trên sàn dựa trên số lượng sản phẩm đã bán ra.
“Bên cạnh phiên bản dành riêng cho thị trường Việt Nam, Gcaeco cũng đang tiến hành xây dựng bản quốc tế tại website: gcaeco.com và sẽ công bố trong một vài tháng tới. Chúng tôi cũng sẽ tiến hành lựa chọn các đơn vị đủ tiêu chuẩn xuất khẩu để hợp tác, hỗ trợ các vấn đề truyền thông cũng như các bước chuẩn bị cần thiết để tiến tới đưa nông sản Việt ra nước ngoài” – ông Huy hồ hởi cho biết.
Minh Đường