RCEP – Hiệp định phù hợp duy nhất với thời đại hiện nay và nền kinh tế hậu Covid, hậu chính quyền Trump
Sau hàng chục vòng đàm phán và thảo luận kéo dài đằng đẵng 8 năm, 10 nước thành viên ASEAN và 5 nước đối tác (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand) đã chính thức ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vào ngày 15/11/2020. Đây được xem là hiệp định duy nhất phù hợp với thời đại hiện nay, đồng thời cũng là hiệp định thích ứng hoàn toàn với nền kinh tế hậu Covid – 19 và hậu chính quyền Trump.

Theo ghi nhận của các chuyên gia, RCEP được ký kết hoàn toàn phù hợp với thời đại hiện nay bởi Hiệp định luôn đứng vững giữa cơn lốc những hành động đơn phương gây chia rẽ và làm xấu đi các mối quan hệ thương mại vốn có. Mặc dù không được thiết kế để tồn tại và phát triển trong môi trường khốc liệt này song cuối cùng RCEP lại trở thành giải pháp hoàn hảo nhất, giúp thuận lợi hóa các mối quan hệ thương mại. Câu hỏi được đặt ra ở đây là các quy trình chung này sẽ được phát triển như thế nào? Và chúng ta chỉ có thể tìm ra câu trả lời xác đáng nhất khi RCEP được phê chuẩn chính thức trong năm 2021.
Tuy nhiên nền móng cho câu trả lời chuẩn xác nhất đã được đặt ra khi Trung Quốc nổi lên từ đại dịch Covid – 19 với cơ cấu kinh tế được điều chỉnh. Đây cũng là quốc gia lập kỷ lục về khả năng điều chỉnh nhanh chóng đối với các sự kiện khủng hoảng tài chính toàn cầu quan trọng thông qua tái cơ cấu và chuyển hướng nền kinh tế. Trong đó ví dụ sống động nhất chính là sự tương thích giữa các mục tiêu chính sách RCEP với những điều chỉnh gần đây của Trung Quốc.
Có ba lĩnh vực quan trọng xác định lại mối quan hệ của Trung Quốc với thế giới và thiết lập một môi trường hậu Covid nơi thương mại khu vực sẽ diễn ra bao gồm: khái niệm về nền kinh tế lưu thông kép; sự ra đời của đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số; phương thức mà hai sự phát triển này nâng cao các sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI). Trong đó nền kinh tế lưu thông kép bao gồm 2 thành phần: “lưu thông nội bộ” dùng để chỉ các hoạt động kinh tế trong nước; “lưu thông bên ngoài” dùng để chỉ các liên kết kinh tế với thế giới bên ngoài phù hợp với các mục tiêu RCEP. Như đã thấy, Trung Quốc đặc biệt dễ bị tổn thương trong thương mại của mình với các điểm tắc nghẽn vật lý ở eo biển Malacca và Biển Đông. Để tháo gỡ nút thắt này, quốc gia đông dân nhất thế giới dựa vào BRI cũng như độc lập hóa đồng Nhân dân tệ và thị trường vốn Trung Quốc.
Vốn là một chính sách hợp tác thương mại, tiền thân của BRI là Con đường tơ lụa mới hình thành từ thời nhà Đường và RCEP chính là cơ chế bổ sung nối tiếp truyền thống này. Hệ thống thương mại Trung Quốc được xây dựng dựa trên thương mại lẫn nhau và quyền, nhưng không phải nghĩa vụ, thương mại. Thay vì dùng vũ lực, Trung Quốc thường sử dụng thương mại để đảm bảo an ninh biên giới. Đây cũng chính là nền tảng của BRI với mục tiêu đảm bảo an ninh biên giới thông qua việc tăng cường các mối quan hệ thương mại hòa bình với các quốc gia xung quanh. Và RCEP cung cấp một cơ chế khác để Trung Quốc theo đuổi triết lý này phù hợp với các khía cạnh cơ sở hạ tầng mềm của BRI bao gồm: cơ sở hạ tầng thương mại với môi trường pháp lý; cơ sở hạ tầng mềm của các giao thức thanh toán và chứng nhận chuỗi khối; cơ sở hạ tầng vốn với đầu tư và giải quyết thương mại.
Việc phát triển tính độc lập về vốn là cần thiết nếu BRI đạt được các mục tiêu thương mại thông suốt. Một phần của điều đó đến từ việc tạo ra một hệ thống thanh toán thương mại tiền tệ có chủ quyền mà không phụ thuộc vào bên thứ ba, do đó việc thanh toán thương mại không thể bị lệnh trừng phạt đơn phương. Nhân dân tệ kỹ thuật số là tiền thân của một hệ thống thanh toán thương mại xuyên biên giới nâng cao được xây dựng trên nền tảng blockchain. RCEP cũng là một hiệp định nhằm thiết lập các thủ tục giải quyết và thương mại xuyên biên giới đã được thống nhất. Có thể thấy các cơ chế và mục đích của RCEP được đề xuất lần đầu cách đây 8 năm nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn rất phù hợp với quan điểm mới về mối quan hệ kinh tế với thế giới.
Hùng Anh