RCEP giúp Việt Nam tăng giá trị hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa rẻ hơn
Được đánh giá là FTA có quy mô lớn nhất thế giới, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được kỳ vọng mở ra nhiều cơ hội mới cho Việt Nam trong việc gia tăng kim ngạch xuất khẩu, từng bước khẳng định vị thế trong dòng chảy thương mại quốc tế.
Hiệp định RCEP với sự tham gia của 15 quốc gia châu Á – Thái Bình Dương gồm 10 nước thành viên ASEAN và 5 đối tác lớn (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand) được ghi nhận là hiệp định đa phương rất có ý nghĩa với Việt Nam trong việc giảm thuế quan, tăng cường chuỗi cung ứng với các quy tắc xuất xứ chung và hệ thống hóa những quy tắc về thương mại điện tử mới. Với 30% GDP và 25%-26% thương mại toàn cầu, khu vực này sau khi chính thức thực thi cam kết sẽ mở ra cơ hội thị trường lớn cho Việt Nam, nhất là khi Hiệp định có mặt những nền kinh tế lớn của khu vực Đông Bắc Á như Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và Nhật Bản – nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới
Đánh giá về vai trò, tầm quan trọng của Hiệp định RCEP, bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) cho biết ở thời điểm hiện tại Việt Nam đã ký nhiều FTA đa phương và song phương với các nền kinh tế lớn trong RCEP. Với việc Hiệp định được ký kết và đi vào thực thi sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội hơn trong lựa chọn mức ưu đãi thuế quan có lợi nhất cho từng mặt hàng xuất khẩu đến các quốc gia trong khối. Điều này đồng nghĩa với những mặt hàng nào trong RCEP được ưu đãi thuế mạnh hơn thì doanh nghiệp có thể chọn RCEP, còn mặt hàng nào chưa kịp giảm thuế xuất khẩu theo lộ trình thực thi RCEP thì chọn thực thi theo hiệp định khác
Đặc biệt đối với một nền kinh tế mà ngành công nghiệp hỗ trợ còn yếu như Việt Nam, RCEP sẽ giúp mở cửa để nhập khẩu hàng hóa rẻ hơn, nhất là các nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất. Nếu như trước đây, một số mặt hàng của Việt Nam sản xuất sử dụng nguyên liệu nhập khẩu từ 1 trong 5 nước tham gia RCEP (ngoài ASEAN) sẽ không được hưởng ưu đãi thì khi RCEP chính thức có hiệu lực, nút thắt này sẽ được tháo gỡ. Theo đó nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất doanh nghiệp được Việt Nam nhập khẩu từ các nước RCEP cũng sẽ được xem như là nguồn nguyên liệu sản xuất tại Việt Nam khi xuất khẩu sản phẩm sang các nước có ký kết hiệp định song phương, đa phương với Việt Nam.
Còn theo ghi nhận của ông Phạm Thiết Hòa – Tổng giám đốc Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn, vấn đề nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa theo cam kết trong RCEP khá thuận lợi. So với yêu cầu từ những FTA khác thì với Hiệp định RCEP, doanh nghiệp mua nguyên liệu trong nội khối để sản xuất hàng xuất khẩu sẽ dễ dàng hơn trong việc đáp ứng yêu cầu về nguồn gốc, xuất xứ. Đơn cử với Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), do quy tắc xuất xứ nội khối nên doanh nghiệp Việt Nam khó tận dụng ưu đãi thuế quan đối với sản phẩm dệt may; tuy nhiên khi tham gia RCEP, gánh nặng chi phí nhập khẩu nguyên liệu đầu vào của doanh nghiệp Việt sẽ được kéo giảm.
Ngoài ra các quy trình về hải quan sẽ được thống nhất, tạo thuận lợi cho thương mại. doanh nghiệp Việt Nam cũng kỳ vọng một số thị trường dịch vụ sẽ mở rộng cửa, nhất là các lĩnh vực tiềm năng như logistics, viễn thông…”Đây là cơ hội của doanh nghiệp từ các nước phát triển khi đầu tư sang nước đang phát triển như Việt Nam và người tiêu dùng Việt Nam được sử dụng hàng hóa, dịch vụ của nước ngoài với giá rẻ hơn. Chỉ khi nội lực doanh nghiệp tăng lên và có sự hỗ trợ của nhà nước trong việc mở rộng kênh đầu tư thì lúc đó cơ hội mới được hiện thực hóa”, ông Nguyễn Lâm Viên – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vinamit nhận định.
Minh Anh