Quyết tâm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ tận dụng hiệu quả EVFTA
“Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển cũng như tận dụng được các lợi ích của EVFTA là trách nhiệm pháp lý và đạo lý của Bộ Công Thương” – Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh điều này tại Hội nghị trực tuyến “Hỗ trợ doanh nghiệp SMEs tận dụng cơ hội, thực thi hiệu quả EVFTA” do Bộ Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) tổ chức.
Nội dung chương trình hội nghị được phát trực tiếp trên nhiều kênh truyền thông của Bộ Công Thương và VINASME. Với việc thực hiện hội nghị theo phương thức mới này, một số lượng đông đảo các doanh nghiệp SMEs trên cả nước sẽ có điều kiện tham gia trực tiếp hoặc trực tuyến và tiếp cận dễ dàng, thuận lợi các thông tin quan trọng về Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) từ hội nghị.
Theo Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, trong bối cảnh doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chiếm đến 97% số doanh nghiệp cả nước, thực sự là “trái tim của nền kinh tế”, cần chủ động và sớm tạo ra sự thống nhất để thực thi EVFTA có hiệu quả với các doanh nghiệp SMEs của Việt Nam.
“Công cụ đã có, môi trường đã có nhưng không thể dừng lại đó mà phải bắt tay cùng làm. Mong muốn EVFTA được tổ chức thực hiện khai thác hiệu quả cao nhất với doanh nghiệp SMEs” – Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Cùng đó theo Bộ trưởng, cần quyết tâm hành động trong bước đi cụ thể để doanh nghiệp nhỏ và vừa trở thành chủ thể cũng như thụ hưởng Hiệp định EVFTA. Các cơ quan quản lý cần luôn đồng hành để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nói chung cũng như doanh nghiệp SMEs nói riêng.
Một câu hỏi đặt ra tại hội nghị là liệu doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam có bị “ngợp” trong các cam kết trong EVFTA hay không?
Câu trả lời được đưa ra tại hội nghị là doanh nghiệp SMEs Việt Nam hoàn toàn có thể thích nghi được với những cam kết nêu trong hiệp định cho dù những tiêu chuẩn, chi phí thương mại của EU thuộc vào hàng cao nhất nhì thế giới. Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Hiệp định EVFTA dù có đến hàng nghìn trang đi nữa thì mỗi doanh nghiệp SMEs Việt Nam đều có thể tìm thấy riêng cho mình 1- 2 trang để cùng cả cộng đồng doanh nghiệp thực thi hiệp định.
Ông Trần Thanh Hải cũng chia sẻ, EVFTA có thể được xem như một văn bản giảm thuế mang tính bền vững. Đặc biệt do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, một số mặt hàng có thể được hưởng lợi ngay. Cùng đó trong quá trình thực thi EVFTA, EU áp dụng cơ chế thu hoạch sớm (REX) cho phép doanh nghiệp được tự chứng nhận xuất xứ. Đây là điều doanh nghiệp cần nắm bắt để biến thành lợi ích của mình.
Ông Lương Hoàng Thái – Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho rằng, tính tương tác bổ sung cho nhau giữa EU và Việt Nam được thể hiện rất rõ trong hiệp định. Và đây cũng là cơ hội mà doanh nghiệp SMEs Việt Nam cần nắm lấy.
Theo ông Thái, EU là mô hình bảo vệ chỉ dẫn địa lý tới hộ gia đình, đây chính là mô hình phù hợp với doanh nghiệp SMEs Việt Nam. Thêm nữa là các cam kết phát triển bền vững mà Việt Nam đã thể hiện trong Hiệp định EVFTA cũng sẽ đồng nghĩa với việc doanh nghiệp Việt Nam sau đây sẽ không còn phải quá bận tâm để đi xin các chứng chỉ kỹ thuật nữa như đã từng diễn ra trong quá khứ với các hiệp định thương mại.
Điều này cũng có nghĩa các cam kết của EVFTA được các chuyên gia xem là hoàn toàn có thể lan tỏa tới cả các doanh nghiệp SMEs, góp phần tạo ra sự ổn định về kinh tế và xã hội, tránh được bài học xung đột lợi ích như đã xảy ra ở nhiều nước.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho rằng, EU là một thị trường lớn nhưng đòi hỏi khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, lao động, môi trường… trong khi không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng được các yêu cầu.
Khó khăn tiếp theo đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại tại thị trường EU là rào cản ngôn ngữ, khác biệt văn hóa cũng như hiểu biết hạn chế đối với các quy định tại thị trường EU. Ngoài ra, thách thức trước mắt đối với xuất khẩu của Việt Nam đến từ hệ lụy tiêu cực của đại dịch COVID-19 kéo theo sự suy thoái nền kinh tế thế giới.
Đưa ra giải pháp cụ thể cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, ông Vũ Bá Phú cho rằng, với các thị trường đầu tàu truyền thống (như Hà Lan, Đức, Anh, Pháp, Italia, Tây Ban Nha và Bỉ) được coi là thị trường cửa ngõ giúp lan tỏa đi các nước khác trong khối EU, doanh nghiệp cần tiếp tục khai thác dư địa, tận dụng tối đa lợi thế mà EVFTA mang lại nhằm mở rộng thị phần, phát huy lợi thế cạnh tranh của mình.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần tận dụng những thị trường ngách phù hợp với năng lực của mình và chưa có nhiều đối thủ cạnh tranh được coi là “cánh cửa” giúp hàng Việt vào sâu hơn nữa thị trường EU.
Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, qua hội nghị này, các doanh nghiệp SMEs Việt Nam sẽ hiểu rõ hơn về các nội dung của Hiệp định EVFTA, những khía cạnh doanh nghiệp có thể khai thác và hưởng lợi từ hiệp định, cũng như những vấn đề cần lưu ý để có chiến lược, kế hoạch và hành trang sẵn sàng cho sự phát triển của doanh nghiệp trong điều kiện thị trường và bối cảnh thương mại mới với Hiệp định EVFTA.
Cộng đồng doanh nghiệp SMEs cả nước kiến nghị đẩy nhanh hơn nữa cải cách hành chính đẩy mạnh tuyên truyền, truyền thông về hiệp định, tăng nguồn lực, vốn vay và tạo thuận lợi để triển khai các dự án EVFTA, cắt giảm các tiêu chí đấu thầu để doanh nghiệp SMEs có cơ hội tham gia, hỗ trợ doanh nghiệp trong ứng dụng khoa học và công nghệ, tập trung khai thác thị trường nội địa cùng với khai thác “nền kinh tế ban đêm”.
Liên quan đến các kiến nghị này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, trên thực tế cũng đã có chỉ đạo và sẽ có mặt trong Chương trình hành động của Chính phủ thực thi EVFTA. Theo Bộ trưởng, thực thi hiệp định cũng là câu chuyện cụ thể của từng địa phương, từng doanh nghiệp.
Về đề xuất số hóa xúc tiến thương mại để mọi doanh nghiệp vừa và nhỏ đều có cơ hội tham gia, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định quan điểm của Bộ là ủng hộ việc thay đổi mô hình tổ chức xúc tiến thương mại để có hiệu quả cao hơn. Bộ quyết tâm làm cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập khẩu, công nghiệp và một số lĩnh vực khác. Đặc biệt Việt Nam và EU sẽ hợp tác xây dựng trung tâm cơ sở dữ liệu về xuất nhập khẩu để thực hiện EVFTA.
Chia sẻ các quan tâm và kiến nghị của nhiều hiệp hội doanh nghiệp SMEs tại các địa phương về việc làm sao tăng được xuất khẩu thủ công mỹ nghệ, thủy sản, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh lưu ý các địa phương về cam kết phát triển bền vững của Việt Nam đã được thiết kế thành một chương riêng của EVFTA. Các địa phương cần quan tâm để tránh lặp lại bài học “thẻ vàng” với thủy sản xuất khẩu của Việt Nam vào EU.
Bộ Công Thương sẽ tích cực rà soát, đôn đốc thực hiện, phối hợp cùng các địa phương hỗ trợ doanh nghiệp nội luật hóa các nội dung của EVFTA, bởi như Bộ trưởng khẳng định, doanh nghiệp vừa và nhỏ “là trọng tâm trong chương trình phát triển của Chính phủ, các cơ chế sẽ được cụ thể hóa”.
Về mối quan ngại rằng các doanh nghiệp lớn của châu Âu liệu có nhờ vào EVFTA có tiến hành hoạt động mua bán và sáp nhập các doanh nghiệp trong các ngành kinh tế chủ chốt của Việt Nam hay không, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh lưu ý, cùng với việc thu hút đầu tư là các chính sách sàng lọc trong đầu tư để bảo vệ lợi ích quốc gia.
Bộ trưởng khẳng định thêm các vấn đề của doanh nghiệp SMEs cũng là vấn đề của nền kinh tế, là mối quan tâm trong điều hành của Chính phủ. Bộ Công Thương sẽ đẩy nhanh phối hợp với EU và có giải pháp cụ thể để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp SMEs hợp tác kỹ thuật, đào tạo cũng như các khoản hỗ trợ cần thiết khác.
Thanh Hằng