Quyết liệt cuộc đua thâu tóm quỹ đất vùng ven…
Nhằm đón đầu nhu cầu thị trường, các doanh nghiệp địa ốc không ngại chi ra khoản tiền khủng để thâu tóm quỹ đất, nhất là đất tại khu vực vùng ven Tp.HCM, khiến thị trường này ngày càng trở nên khốc liệt…
Mặc dù đang nắm trong tay quỹ đất khủng lên đến hơn 5.400 ha với tổng giá trị phát triển dự án ước đạt gần 45 tỷ USD song Novaland vẫn chưa thỏa mãn tham vọng bành trướng của mình. Tập đoàn này tuyên bố trong năm 2021 sẽ xem xét mở rộng quỹ đất tại một số địa phương như Lâm Đồng, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định…; hướng đến mục tiêu nâng tổng số quỹ đất hiện hữu lên 15.400 ha vào năm 2030 để chuẩn bị cho các giai đoạn tiếp theo.
Cũng đầy tham vọng như Novaland, hàng loạt doanh nghiệp bất động sản đã vào cuộc đua thâu tóm quỹ đất khiến thị trường ngày càng thêm sôi động. Điển hình như Hưng Thịnh Land dù đã sở hữu 4.500 ha đất tại các thị trường vùng ven kế cận Sài Gòn vẫn vươn tay nới rộng quỹ đất lan xa ra các tỉnh thành có tiềm năng kinh tế tại khu vực Đông Nam Bộ và miền Trung như: Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu… Theo đại diện Hưng Thịnh Land, việc nắm trong tay quỹ đất lớn sẽ đảm bảo cho sự tăng trưởng và phát triển bền vững của doanh nghiệp trong 10 năm tới.
Với Nam Long Land, dù nắm trong tay tổng quỹ đất gần 700 ha trải khắp các tỉnh thành cả nước song từ năm 2020 đến nay, mỗi năm đại gia bất động sản này vẫn dành 2.000 tỷ đồng để mở rộng thêm quỹ đất, nhất là tại khu vực vùng ven Tp.HCM (Đồng Nai, Long An, Bình Dương, Cần Thơ…) và đang dự định tổng tiến công ra miền Bắc (Hải Phòng, Hà Nội).
Trong cuộc đua bành trướng quỹ đất vùng ven không thể bỏ qua Tập đoàn Đất Xanh. Đến năm 2020, doanh nghiệp này đã thâu tóm hai quỹ đất tại khu vực Thuận An (Bình Dương) với tổng diện tích gần 700.000 m2 sàn xây dựng; góp phần nâng tổng số dự án do Tập đoàn này triển khai tại Bình Dương (Dĩ An, Thuận An, Thủ Dầu Một) lên 5 dự án. Cũng như Tập đoàn Đất Xanh, An Gia Group cũng đang xúc tiến mua quỹ đất 40 ha tại Bình Dương và có kế hoạch chi thêm khoảng 3.000-5.000 tỷ đồng mỗi năm để M&A quỹ đất, mục tiêu là các khu đất quy mô lớn để triển khai các dự án phức hợp.
Theo lãnh đạo một công ty bất động sản tại khu Nam Tp.HCM đánh giá, sở dĩ các doanh nghiệp địa ốc Sài Gòn ráo riết vào cuộc thâu tóm quỹ đất vùng ven, vệ tinh và tỉnh xa tận miền Trung, miền Bắc là do pháp lý các dự án tại Tp.HCM triển khai chậm. Trong thời gian chờ đợi hoàn thiện pháp lý dự án ở địa bàn chủ lực, các doanh nghiệp cố gắng tìm quỹ đất ở các thị trường lân cận để tạo sản phẩm lấy ngắn nuôi dài. Ngoài nguyên nhân trực tiếp trên còn rất nhiều nguyên nhân gián tiếp đằng sau cuộc đua bành trướng quỹ đất ra vùng ven của các ông lớn bất động sản như: biên lợi nhuận của bất động sản vùng ven khá cao, thậm chí có thể đạt đến ngưỡng siêu lợi nhuận; chi phí vốn đầu vào phát triển dự án tại vùng ven thấp; quỹ đất vùng ven dồi dào phù hợp phát triển đại đô thị và bất động sản sinh thái hơn Sài Gòn; các doanh nghiệp bất động sản cần đa dạng hóa rổ hàng để phục vụ nhu cầu của khách hàng…
Còn theo bà Nguyễn Hương – Tổng Giám đốc Đại Phúc Land, khi quỹ đất khu vực nội thành ngày càng khan hiếm, giá cả lại đắt đỏ thì việc mở rộng ra bất động sản vùng ven là xu thế tất yếu. Tuy nhiên đằng sau cuộc đua này cũng có cả yếu tố tích cực lẫn tiêu cực. Yếu tố tích cực gồm có: chi phí đất thấp, hiệu quả cao, quy mô lớn có thể lên đến vài chục hoặc hàng trăm ha thay vì chỉ một vài ha như khu vực nội thành Tp.HCM. Quỹ đất lớn ở vùng ven cho phép quy hoạch đồng bộ và có thể phát triển các mô hình nhà ở đa dạng, thủ tục pháp lý thuận lợi hơn về pháp lý dự án và tỷ suất lợi nhuận cũng cao hơn Tp.HCM.
Tuy nhiên yếu tố rủi ro đi kèm chính là khả năng thu hút dân cư về ở trong giai đoạn đầu phát triển dự án sẽ rất khó khăn, đặt trong bối cảnh nhu cầu về nhà ở của địa phương không cao. Ngoài ra chủ đầu tư phải là những thương hiệu lớn, tiềm lực mạnh mới có đủ nguồn lực phát triển hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội theo đúng cam kết. Một số dự án vùng ven chủ yếu hướng tới khách đầu tư có thể chiếm tỷ lệ lên đến 80-90%, dẫn đến tình trạng vườn không nhà trống gây lãng phí nguồn lực trong dài hạn. “Một khi đã hạ quyết tâm đầu tư vào bất động sản vùng ven, các nhà đầu tư cần hoạch định dòng tiền dài hạn để theo đuổi dự án vì đây vốn là cuộc đua đường trường, không phải là nơi để nhà đầu tư lướt sóng” – bà Hương khuyến nghị.
Anh Dũng