Quỹ từ thiện Rockefeller nói lời tạm biệt với nhiên liệu hóa thạch

Quỹ Rockefeller, một tổ chức từ thiện 107 năm tuổi do ông trùm dầu mỏ John D. Rockefeller xây dựng, đang chuẩn bị quay lưng lại với nhiên liệu hóa thạch trong nỗ lực cứu hành tinh.

Ngoài cam kết không tài trợ cho nhiên liệu hóa thạch, quỹ tài trợ trị giá 5 tỷ USD cũng hứa hẹn sẽ không thực hiện bất kỳ khoản đầu tư mới nào trong lĩnh vực dầu. Các động thái này khiến Rockefeller Foundation trở thành quỹ lớn nhất của Mỹ theo đuổi phong trào thoái vốn đang phát triển nhanh chóng.

Rajiv Shah, chủ tịch của Rockefeller Foundation, nói với CNN Business trong một cuộc phỏng vấn độc quyền: “Đốt nhiên liệu hóa thạch là không cần thiết để duy trì nền kinh tế và tăng trưởng kinh tế của chúng ta về lâu dài – và nó có hại cho tương lai khí hậu của chúng ta”.

Việc thoái vốn này đặc biệt mang tính biểu tượng vì Quỹ Rockefeller được thành lập bằng tiền từ dầu mỏ. Nguồn tài trợ chủ yếu được xây dựng từ tiền thu được của Standard Oil, một công ty mà thời kỳ đỉnh cao kiểm soát hơn 90% sản phẩm dầu mỏ ở Mỹ. ExxonMobil (XOM) bắt nguồn từ Standard Oil.

Tin tức này được đưa ra vài tuần sau khi quỹ hưu trí trị giá 226 tỷ USD của bang New York cam kết từ bỏ cổ phiếu ngành nhiên liệu hóa thạch trong 5 năm tới và ngừng các khoản đầu tư vào các công ty khiến trái đất nóng lên vào năm 2040.

Quỹ Rockefeller là tổ chức từ thiện lớn nhất quya lưng lại với nhiên liệu hóa thạch, nhưng nó không phải là tổ chức đầu tiên trong gia đình nổi tiếng làm như vậy.

Năm 2014, Quỹ Anh em Rockefeller, một tổ chức có liên hệ với Quỹ Rockefeller được thành lập vào năm 1940, tuyên bố sẽ không đầu tư vào than và cát hắc ín nữa và sẽ bắt đầu chuyển đổi khỏi các nhiên liệu hóa thạch khác. Vào thời điểm đó, quỹ kiểm soát khoảng 860 triệu USD.

Hai năm sau, Quỹ Gia đình Rockefeller, một tổ chức từ thiện do các thành viên trong gia đình thành lập vào năm 1967, cam kết thoái vốn khỏi nhiên liệu hóa thạch, bao gồm cả cổ phần của họ trong Exxon.

Trong sáu năm qua, nguồn tài trợ cho nhiên liệu hóa thạch của Quỹ Rockefeller đã bị cắt giảm một nửa xuống chỉ còn 2% tổng tài sản, phản ánh sự suy giảm sâu sắc của ngành.

Việc rời bỏ nhiên liệu hóa thạch cũng có nguy cơ xóa sổ vô số công việc được trả lương cao. Sự sụp đổ của ngành công nghiệp than đã khiến các cộng đồng ở Appalachia bị tàn phá.

Rajiv Shah nói: “Để thực hiện những chuyển đổi này một cách hiệu quả, chúng ta không thể bỏ lại hết cộng đồng này đến cộng đồng khác và xóa sổ tương lai của họ. Chúng ta phải tái đầu tư vào ý thức về phẩm giá và hy vọng của họ vào tương lai”.

Sự tái đầu tư đó bao gồm việc đào tạo lại những người lao động mà sự nghiệp của họ đã bị gạt sang một bên. Quỹ Rockefeller hợp tác với Sáng kiến ​​Chan Zuckerberg để xác định và mở rộng quy mô các chương trình như vậy.

Hoàng Ánh