Quy mô gói phục hồi kinh tế sẽ lớn hơn tổng mức đầu tư công hàng năm
Đây là nhận định của ông Nguyễn Đức Kiên – Tổ trưởng tổ tư vấn Thủ tướng xoay quanh gói phục hồi kinh tế nằm trong tổng thể Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch bệnh Covid-19 đang được Bộ Kế hoạch & Đầu tư trình các cơ quan chức năng.
Cụ thể ông Kiên cho biết hiện vẫn chưa rõ giá trị của gói kích thích nhưng chắc chắn sẽ lớn hơn tổng mức đầu tư công hàng năm đang thực hiện và không phải giải ngân hết trong năm 2022 mà sẽ có lộ trình cụ thể
Thống kê của Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho thấy trong năm 2020, giải ngân đầu tư công thực hiện đạt hơn 466.000 tỷ đồng. Riêng giai đoạn 2021-2025, tổng mức vốn ngân sách dự kiến cho kế hoạch đầu tư công trung hạn là 2,87 triệu tỷ đồng, bình quân khoảng 574.000 tỷ đồng/năm. Điều này đồng nghĩa với gói hỗ trợ mà Chính phủ đang bàn thảo có quy mô ít nhất khoảng 500.000 tỷ đồng.
Là người trực tiếp góp ý vào dự thảo phục hồi kinh tế lần này, ông Nguyễn Đức Kiên cho rằng nếu tổng quy mô gói phục hồi kinh tế tới 800.000 tỷ đồng (hơn 35 tỷ USD) sẽ đóng vai trò vốn mồi trong đầu tư công, kích thích tăng trưởng kinh tế, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động…“Một đồng vốn bỏ ra có thể huy động 4-5 lần đồng vốn khác trong nền kinh tế cùng tham gia. Như vậy nếu huy động được gấp bốn lần, nền kinh tế sẽ có khoảng 4 triệu tỷ đồng để hỗ trợ trong 4-5 năm tới. Điều này đồng nghĩa với mỗi năm chúng ta sẽ có khoản vốn cực lớn khoảng 1 triệu tỷ đồng, tương đương khoản thu ngân sách là 1,3 triệu tỷ đồng để đầu tư” – ông Kiên lý giải.
Còn theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực – Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, cần rà soát lại mức thực chi các gói hỗ trợ trước đó làm cơ sở để xác định chuẩn xác hơn quy mô gói kích thích kinh tế lần này. Đơn cử với gói hỗ trợ giãn, hoãn tiền thuế, phí khoảng 100.000-200.000 tỷ đồng được đưa ra từ năm 2020 song trên thực tế doanh nghiệp tiếp cận không hết quy mô gói được công bố. Lý do là chính sách hoãn, giãn nên tới cuối kỳ tài chính các doanh nghiệp vẫn phải hoàn trả lại vào ngân sách. Do đó để sát thực tế hơn, việc huy động nguồn lực cần được tính toán trên số liệu thực chi .
Theo Bộ Kế hoạch – Đầu tư (KH-ĐT), dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã tác động nặng nề đến nền kinh tế. Mặc dù Chính phủ đã rất cố gắng, nỗ lực huy động mọi nguồn lực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp (doanh nghiệp) vượt qua khó khăn của dịch bệnh nhưng quy mô các chính sách hỗ trợ còn tương đối thấp (năm 2021 ước khoảng 10,5 tỉ USD, tương đương 2,85% GDP). Điều quan trọng là các chính sách hỗ trợ chủ yếu tác động về phía cung, chưa thực sự hỗ trợ mạnh mẽ cho người dân, doanh nghiệp; chưa có giải pháp tổng thể cùng với nguồn lực để thúc đẩy phục hồi đồng bộ cả về phía cung và cầu của nền kinh tế.
Trong bối cảnh đó, việc xây dựng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch bệnh Covid-19 là hết sức phù hợp và cấp thiết nhằm tập trung hỗ trợ nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển, sớm trở lại trạng thái bình thường mới, không lỡ nhịp xu thế phục hồi và phát triển của thế giới. việc đưa ra Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch bệnh Covid-19 là vô cùng cần thiết, giúp tháo gỡ những điểm nghẽn và khơi thông dòng chảy tăng trưởng của nền kinh tế. Chương trình được thực hiện giai đoạn 2022 – 2023 bao gồm 4 chương trình thành phần: Chương trình tổng thể mở cửa nền kinh tế gắn với phòng, chống dịch bệnh Covid-19; Chương trình an sinh xã hội và việc làm; Chương trình phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; Chương trình phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển. Dự kiến tuần sau Quốc hội sẽ thảo luận về chương trình phục hồi kinh tế này.
Như Anh