Quản trị và tăng trưởng
Các mô hình quản trị trong sách thường nhìn rất đẹp và logic. Nhưng cũng giống như bức tranh hoàn thiện, nó là kết quả của rất nhiều lớp màu chồng lên nhau, mà những khởi đầu hoàn toàn khác với phiên bản cuối, chỉ có ý tưởng chủ đề là xuyên suốt trong đầu tác giả.
Các mô hình quản trị đưa vào sách cũng là bản cuối sau nhiều chỉnh sửa, nhiều xóa đi làm lại. Nó thường là kết tinh của rất nhiều năm thử nghiệm. Bản vẽ đầu mà đi giống như bản cuối thì bức tranh sẽ rất sơ sài, hoặc phải mất rất nhiều thời gian bù đắp. Doanh nghiệp mới, thiếu nhiều thứ, mà đưa cứng mô hình chuẩn sách vào thì sẽ luôn bị thiếu năng lực và nguồn lực để chạy. Giống như nhà nghèo xây khung nhà to thì thiếu ăn hàng chục năm, cửa giường thì không có.
Phát triển là quá trình xoắn trôn ốc, lớp nọ đè lên lớp kia, trong đó đòi hỏi người lãnh đạo phải nỗ lực hai lần sáng tạo, một lần trong tư duy và một lần trong hành động. Đọc sách như vậy, nhưng mô hình phù hợp nhất là do mình lựa chọn và sáng tạo lại trong tổ chức của mình, chọn khởi đầu phù hợp, chia ra nhiều giai đoạn.
Chúng ta nghèo, trước kia, vì thiếu kiến thức. Nhưng ngày nay, áp dụng kiến thức khiên cưỡng, đưa hết mô hình này đến mô hình khác vào lại là kiểu nghèo về tư duy, máy móc trong tiếp cận về quản trị. Cũng là cách phá hủy nhanh nguồn lực của tổ chức, doanh nghiệp và quốc gia.
Quản trị vừa là khoa học, vừa là nghệ thuật, cũng có phần giống như sáng tác tranh. Bạn cứ học, cứ xem, cứ nghiền ngẫm, nhưng mà phải sáng tạo, chứ không nên sao chép tác phẩm hay mô hình. Như thế mới thành quản trị.
Trong thị trường mới nổi, các doanh nghiệp đình đám thường chọn chiến lược tăng trưởng nhanh chiếm lĩnh thị phần, chóng nổi tiếng. Tuy nhiên thường chỉ sau 5 năm các doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều yếu kém về cơ cấu và năng lực tổ chức, động lực suy giảm, chất lượng nguồn nhân lực không đáp ứng.
Trong tình huống đó việc chọn sáp nhập lại đồng nghĩa với tăng nguy cơ lên gấp đôi hay gấp ba do hiệu ứng cộng hưởng. Tất nhiên không phải tất cả đều như thế.
Tựu trung lại, tăng trưởng nhanh sẽ thích hợp trong môi trường đóng, ít cá lớn. Trong thị trường toàn cầu, tăng trưởng càng nhanh, sẽ gặp thách thức về tính bền vững, càng tăng cơ hội trở thành mồi cho cá mập, nếu không có sự bảo kê về thị trường, sự độc lập về công nghệ hay mô hình kinh doanh.
Chuyên gia Đỗ Tiến Long (OD Click)